Thứ sáu, 22/11/2024 23:31 (GMT+7)
Thứ tư, 15/07/2020 11:00 (GMT+7)

Đề xuất định hướng quản lý, bảo tồn các Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam hiện có 9 Khu dự trữ sinh quyển với tổng diện tích hơn 4 triệu hecta, chiếm khoảng 12,1% diện tích tự nhiên cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người.

Đề xuất định hướng quản lý, bảo tồn các Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam - Ảnh 1
Phong cảnh Cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) nhìn từ trên cao. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết Việt Nam hiện có 9 Khu dự trữ sinh quyển được Chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB-UNESCO) công nhận, thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo.

Như vậy, nếu so với 9 nước có Khu dự trữ sinh quyển ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về số lượng, 11 khu.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định quản lý dành riêng cho các khu dự trữ sinh quyển, thậm chí còn thiếu sáng tạo, nên việc phối hợp thực hiện giữa cán bộ các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ.

Chưa có mô hình tổ chức thống nhất

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết tổng diện tích của 9 Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là hơn 4 triệu hecta, chiếm khoảng 12,1% diện tích tự nhiên cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người.

Riêng diện tích vùng lõi (chủ yếu là các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn và rừng đặc dụng) chiếm 11% tổng diện tích của các Khu dự trữ sinh quyển (khoảng 450.000 hecta). Nơi đây tập trung đa dạng sinh học cao với sự phong phú các dịch vụ hệ sinh thái; trong đó Khu dự trữ sinh quyển nhỏ nhất là quần đảo Cát Bà với 26.241 hecta và lớn nhất là Tây Nghệ An với hơn 1,3 triệu hecta.

Về cơ cấu tổ chức, các ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất. Mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý Khu dự trữ sinh quyển tùy thuộc tiếp cận của mình. Trong khi đó, việc thống nhất mô hình quản lý là một điều kiện quan trọng để thống nhất công tác quản lý Nhà nước.

Hệ thống Khu dự trữ sinh quyển nước ta cũng chưa có một hướng dẫn cụ thể từ cấp trung ương giúp các khu kiện toàn bộ máy tổ chức và quy chế hoạt động, điều này dẫn tới nhiều Khu dự trữ sinh quyển gặp khó khăn trong kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý và điều phối hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiều Khu dự trữ sinh quyển thuộc quản lý hành chính của nhiều huyện, thị hoặc tỉnh, có diện tích và dân số lớn nên công tác quản lý của Khu dự trữ sinh quyển gặp nhiều thách thức. Điển hình như Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, nằm trong địa giới hành chính của 5 tỉnh và 20 huyện, thành phố, thị xã.

Tuy nhiên, Ban Quản lý chỉ bao gồm các thành phần nhà nước, đại diện tổ chức xã hội và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai, nên những hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển tại 4 tỉnh còn lại chưa mạnh, thậm chí ít có hoạt động được thực hiện dưới danh nghĩa của Khu dự trữ sinh quyển.

Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định quản lý dành riêng cho các Khu dự trữ sinh quyển. Nguồn kinh phí hoạt động, vận hành các Khu dự trữ sinh quyển chưa có quy định cụ thể.

Đề xuất định hướng quản lý, bảo tồn các Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam - Ảnh 2
Một góc Vườn quốc gia U Minh Thượng. (Nguồn: TTXVN)

Ở góc độ quản lý nhà nước, chỉ có vườn quốc gia, khu bảo tồn là có các cấp quản lý nhà nước từ địa phương tới Trung ương, còn các Khu dự trữ sinh quyển ngoài nằm trong mạng lưới của MAP/UNESCO thì chưa có quy định cụ thể về quản lý nhà nước của bộ, ngành nào.

Xây dựng cơ chế phối hợp, kiện toàn công tác quản lý

Từ những tồn tại nêu trên, Tổng cục Môi trường nêu một số ý kiến đề xuất nhằm tăng cường công tác quản lý các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam thời gian tới như: Kiện toàn công tác quản lý các Khu dự trữ sinh quyển; trong đó thể chế chế hóa chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức quản lý.

Giai đoạn trước mắt, Tổng cục Môi trường đề xuất cần ưu tiên đưa nội dung quản lý các Khu dự trữ sinh quyển vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 sửa đổi và trong thời gian tiếp theo tiếp tục xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn quản lý, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý các Khu dự trữ sinh quyển cho các bộ, ngành liên quan và địa phương.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần xây dựng cơ chế phối hợp; xây dựng mô hình quản lý tại các Khu dự trữ sinh quyển từ cấp Trung ương đến địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương được giao xây dựng Chiến lược phát triển các Khu dự trữ sinh quyển trình cấp thẩm quyền ban hành theo hướng tiếp cận quản lý các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các Khu dự trữ sinh quyển, hướng dẫn lập kế hoạch quản lý; hướng dẫn xây dựng các mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế cộng đồng...

Đối với các Khu dự trữ sinh quyển tiềm năng, các cơ quan liên quan cần hướng dẫn quy trình cũng như nội dung hồ sơ đề cử trở thành Khu dự trữ sinh quyển; chú trọng công tác tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức, quảng bá cho các bên liên quan về giá trị vai trò cũng như tham gia trong công tác quản lý các Khu dự trữ sinh quyển.

Các bên liên quan cũng cần thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các Khu dự trữ sinh quyển trong hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; huy động nguồn lực, sự tham gia các tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cho các Khu dự trữ sinh quyển.

Việt Nam có 9 Khu dự trữ sinh quyển gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Quần đảo Cát Bà (2004), Châu thổ sông Hồng (2004), Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (2007), Mũi Cà Mau (2009), Cù Lao Chàm-Hội An (2009), Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2011), Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (2015).

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất định hướng quản lý, bảo tồn các Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới