Thứ bảy, 20/04/2024 09:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/06/2021 09:30 (GMT+7)

Đề xuất chi 300.000 tỉ đồng cho hệ thống cảng biển trong 10 năm tới

Theo dõi KTMT trên

Cục Hàng hải Việt Nam vừa đệ trình hội đồng thẩm định và Bộ GTVT bản Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng kinh phí phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 300.000 - 320.000 tỉ đồng. Trong đó, các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 57.000 tỉ đồng.

Có 18 dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư trong vòng 5 năm tới, nổi bật là các dự án nghìn tỉ như dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.200 tỉ đồng), dự án đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải (1.400 tỉ đồng), cải tạo nâng cấp luồng Cửa Lò cho tàu 30.000 tấn đầy tải, 50.000 tấn giảm tải và nâng cấp xây dựng đê chắn sóng phía Bắc cảng Cửa Lò (hơn 1.000 tỉ đồng).

Đề xuất chi 300.000 tỉ đồng cho hệ thống cảng biển trong 10 năm tới - Ảnh 1
Phát triển hệ thống cảng biển được xem là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, khu bến cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung (hơn 3.400 tỉ đồng) cũng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra còn có các dự án cải tạo nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa (636 tỉ đồng), cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân (200 tỉ đồng), đầu tư nạo vét duy tu luồng Soài Rạp (500 tỉ đồng), dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết cho tàu biển trên 1.000 tấn (28 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải cũng đề nghị đầu tư phương tiện, đầu tư xây dựng trạm đèm, trạm quản lý hàng hải ở một số dự án quan trọng khu vực Trường Sa cũng như một số cảng vùng duyên hải.

Tất cả các dự án trên đều được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Các dự án đầu tư đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân gồm dự án đầu tư xây dựng bến 3, 4, 5, 6 cảng Lạch Huyện (tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỉ đồng) và đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (32.000 tỉ đồng).

Việc triển khai quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất, đưa đất nước hội nhập sâu rộng và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển. 

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện nay, trên thế giới, 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia là do vận tải biển đảm nhận. Tương tự, ở Việt Nam, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm của cả nước được thông qua hệ thống cảng biển.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Việt Nam hằng năm đảm nhận thông qua hơn 600 triệu tấn hàng. Ưu thế của vận tải biển là số lượng lớn, quãng đường dài, chi phí thấp, do đó, khi kinh tế phát triển sẽ tác động đến vận tải biển phát triển và ngược lại, khi vận tải biển phát triển tốt sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Như vậy, để biết được kinh tế của một nước đang tăng trưởng hay chững lại hoặc suy thoái… thì chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống cảng biển với kho bãi, hàng hoá xuất nhập thì sẽ “bắt mạch” được kinh tế của quốc gia.

Tính đến hết năm 2019, cả nước có 588 cầu cảng (gấp 4 lần năm 2000) với tổng lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 664 triệu tấn (gấp 8 lần năm 2000). 10 năm qua, hệ thống cảng biển Việt Nam xuất hiện nhiều cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam, tiếp nhận tàu container đến 132.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (TP.Hải Phòng), đến hơn 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 32 tuyến vận tải biển cũng được kết nối đến cảng biển Việt Nam, trong đó, 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa.

L.T

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất chi 300.000 tỉ đồng cho hệ thống cảng biển trong 10 năm tới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới