Thứ bảy, 23/11/2024 01:27 (GMT+7)
Thứ hai, 01/02/2021 16:13 (GMT+7)

Đề cử Yên Tử trở thành di sản thế giới

Theo dõi KTMT trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến về việc gửi Báo cáo tóm tắt đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đề nghị đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ di sản thế giới.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi  Báo cáo tóm tắt đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO để đề nghị xem xét, đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ di sản thế giới (thay cho Báo cáo tóm tắt Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang) đã được UNESCO đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Di sản Thế giới); bảo đảm thời gian theo quy định.

Đề cử Yên Tử trở thành di sản thế giới - Ảnh 1
Quần thể danh thắng Yên Tử được Chính phủ đề cử trình UNESCO công nhận di sản thế giới.

Phó Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Trước đó, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học làm rõ những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Quần thể Côn Sơn-Kiếp Bạc-Thanh Mai (Hải Dương).

Đây là những địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt. Đây cũng là nơi ra đời, hình thành và phát triển Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Tầm quan trọng của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được thể hiện thông qua hàng loạt di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, với đầy đủ 4 loại hình di tích, danh lam thắng cảnh bao gồm: Di tích lịch sử; di tích kiến trúc - nghệ thuật; di tích khảo cổ; địa điểm danh lam thắng cảnh.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với trên 70 điểm di tích được đưa vào hồ sơ công nhận di sản thế giới, bao gồm khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Bắc Giang) và khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm. Trong đó, ấn tượng nhất là núi Yên Tử cao 1.068 m so với mực nước biển, nằm ở ranh giới giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh, với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng, đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Đề cử Yên Tử trở thành di sản thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới