Thứ bảy, 20/04/2024 18:24 (GMT+7)
Thứ hai, 21/02/2022 08:00 (GMT+7)

Để công nhận một đô thị văn minh cần đạt những tiêu chí đánh giá nào?

Theo dõi KTMT trên

Đây là nội dung mới được ban hành trong Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Theo Quyết định nêu rõ, 9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Cụ thể, 9 tiêu chí đánh giá gồm: Quy hoạch đô thị; giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; an ninh, trật tự đô thị; thông tin, truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị; văn hóa, thể thao đô thị; y tế, giáo dục đô thị; hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

Theo đó, Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/4/2022. Để được xét công nhận đạt chuẩn văn minh, phường, thị trấn phải đạt 9 tiêu chí trên; có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp huyện; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuấn đô thị văn minh.

Để công nhận một đô thị văn minh cần đạt những tiêu chí đánh giá nào? - Ảnh 1
Để được xét công nhận đạt chuẩn văn minh, phường, thị trấn phải đạt 9 tiêu chí đánh giá; có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Đối với quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh, điều kiện xét công nhận và công nhận lại gồm: Có đăng ký quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đạt 9 tiêu chí trên; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có 100% phường, thị trấn trực thuộc được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh và có 100% xã trực thuộc (nếu có) được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Từng đề cập đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Tăng - Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội cho rằng, việc xây dựng bộ tiêu chí phải dựa trên tình hình kinh tế - xã hội, tình hình các đô thị, khu vực để có các quy định rõ ràng, rành mạch. Việc ban hành quyết định về tiêu chí về trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị văn minh phải do Thủ tướng Chính phủ ban hành để đảm bảo sự đồng bộ với việc xây dựng nông thôn mới.

Đồng quan điểm việc công nhận đạt tiêu chí đô thị văn minh phải do Thủ tướng quyết định, bà Hà Thị Liên - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, bộ tiêu chí phải làm sao khơi dậy được ý thức, huy động tự giác của người dân trong thực hiện đô thị văn minh. Việc xây dựng bộ tiêu chí cần lưu ý để không trùng lặp với các tiêu chí gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa. 

Hiện nay, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Do đó, phát triển đô thị xanh (đô thị văn minh) sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia.

Theo đó, xu hướng phát triển đô thị xanh đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái hay đô thị bền vững, thân thiện môi trường. Thái Lan là một trong số ít quốc gia đề xuất vấn đề đô thị xanh từ rất sớm. Quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường, đó là hậu quả của quá trình tăng trưởng kinh tế và dân số nóng. Đi kèm theo đó là quá trình đô thị mở rộng và thay đổi nhanh.

Ngoài ra, công nghệ hiện đại đã gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang diễn ra tại hầu hết các TP, ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư đô thị. Vì vậy, chính quyền địa phương trong từng TP cụ thể ngoài đáp ứng nhu cầu hạ tầng và dịch vụ công cộng, phải đóng một vai trò quan trọng hơn trong quản lý môi trường đô thị bằng cách xây dựng kiến thức, kỹ thuật và phương pháp luận, tiêu chuẩn chung, để giảm bớt các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Để công nhận một đô thị văn minh cần đạt những tiêu chí đánh giá nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới