ĐBSCL: Gia tăng tình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch
Từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở bờ sông gây nhiều thiệt hại cho người dân.
|
Cụ thể, sáng 26/6/2020 tại khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đã xảy ra một vụ sạt lở đất cặp sông Cần Thơ (gần chợ nổi Cái Răng). Đoạn sạt lở kéo dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 12m, gây thiệt hại 5 căn nhà của người dân. Một người dân ở khu vực 5, phường Lê Bình, quận Ninh Kiều cho phóng viên biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay tình trạng sạt xảy ra thường xuyên hơn, trước đó vào ngày 7/3/2020 ở gần khu vực này cũng xảy ra sạt lở gây hư hỏng 5 căn nhà của người dân”.
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết, từ đầu tháng 6/2020 đến nay trên địa bàn các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 03 điểm sạt lở rất nguy hiểm, gồm: khu vực sông Bến Bạ thuộc quận Cái Răng; sông Trà Nóc và rạch Cam thuộc quận Bình Thủy.
Theo ông Nguyễn Quí Ninh, nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chủ yếu là do dòng chảy trên một số sông rạch có sự thay đổi, cùng với đó là một số khu vực nền đất yếu, nhiều tàu bè qua lại gây áp lực lên bờ gây sạt lở...
Cũng theo ông Nguyễn Qúi Ninh, từ đầu năm 2020 đến ngày 22/6/2020 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, tăng 11 điểm so với với cùng kỳ năm 2019. Các vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng đến 73 căn nhà của người dân, tổng chiều dài sạt lở trên 1,2km, thiệt hại ước tính 14,4 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019 13,3 tỉ đồng.
Tại tỉnh Hậu Giang tình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch cũng đang diễn ra thường xuyên và quy mô hơn so với năm 2019. Mới đây (ngày 24/6/2020), trên tuyến sông Ba Láng thuộc ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang xảy ra một điểm sạt lở. Đoạn sạt lở dài trên 20m, ăn sâu vào bờ từ 7 đến 8m khiến cho gần 200m2 đất bờ sông bị mất; đồng thời gây ảnh hưởng đến công trình nhà của 5 hộ dân và 1 doanh nghiệp, ước thiệt hại trên 130 triệu đồng.
Trước đó vào ngày 22/6/2020 trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang liên tiếp xảy ra 4 điểm sạt lở bờ kênh với tổng chiều dài gần 120m đã làm mất tổng cộng 750m2 đất bờ kênh. Theo thống kê từ ban chỉ huy phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tổng cộng 33 điểm sạt lở đất bờ sông, bờ kênh, tăng 3 điểm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó huyện Châu Thành là địa phương xảy ra nhiều nhất với 30 điểm.
Đối với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh, bờ biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng đang xảy ra ở địa bàn các huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu làm cho nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nhà cửa của người dân bị hư hại. Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi- Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 điểm sạt lở tương đương so với cùng kỳ năm 2019.
Theo nhận định của ngành chức năng các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, hiện nay đã bước vào mùa mưa nên tình hình sạt lở đất bờ sông, kênh rạch sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường hơn trong thời gian tới. Do vậy, để hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, các địa phương này đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân chủ động gia cố bờ bao, trồng cây giữ đất; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình kè chống sạt lở; dự án khu tái định cư để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.
Lê Hùng