Chủ nhật, 24/11/2024 07:10 (GMT+7)
Thứ ba, 04/04/2023 06:29 (GMT+7)

Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp

Theo dõi KTMT trên

Nhà ở xã hội cũng sẽ là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành, là một hạng mục trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn.

Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030”.

Đề án nhằm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Cùng với đó nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội.

Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp - Ảnh 1
Dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 cần 1,2 triệu căn. 

Đối với tín dụng phát triển nhà ở xã hội, Đề án xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương. Bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.

Cũng theo đề án, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà công nhân.

Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội.

Trước mắt, Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Quy định lựa chọn chủ đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng khuyến khích xã hội hóa. Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp sẽ đồng thời làm chủ đầu tư xây hạ tầng khu nhà lưu trú công nhân. Họ có thể tự xây nhà lưu trú hoặc bàn giao cho Ban quản lý khu công nghiệp để chuyển giao đất có hạ tầng cho Tổng Liên đoàn lao động hoặc doanh nghiệp khác xây nhà lưu trú.

Phần 20% diện tích thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án. Các tỉnh, thành phải trích phần tiền sử dụng đất của dự án nhà thương mại, khu đô thị để xây hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư xây nhà xã hội sẽ không phải nộp lại tiền sử dụng đất được miễn khi bán nhà.

Đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội 

Theo Đề án được phê duyệt, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội bao gồm: công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp; có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê. Bổ sung đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho người lao động tại đơn vị mình thuê.

Với các loại dự án nhà ở xã hội, bao gồm khu nhà ở xã hội và khu đô thị nhà ở xã hội: bổ sung quy định hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở lực lượng vũ trang.

Chính phủ yêu cầu các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng ưu tiên xây dự án độc lập nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở vị trí thuận tiện, quy mô lớn, đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản quan tâm hơn đến nhà ở xã hội.

Dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 cần 1,2 triệu căn. Có 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với 155.800 căn. Hơn 400 dự án đang triển khai quy mô 454.360 căn

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới