Chủ nhật, 22/12/2024 12:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/01/2021 06:30 (GMT+7)

Đâu là nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm trong tuần qua?

Theo dõi KTMT trên

Trong những ngày qua, Hà Nội và các tỉnh phía bắc xuất hiện một số đợt ô nhiễm khá nghiêm trọng, với thông số bụi mịn PM2.5 vượt quá giới hạn QCVN 05:2013/BTNMT, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân sinh sống trên địa bàn.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, trong tuần, điều kiện khí tượng vẫn là tác động chủ yếu tới chất lượng không khí trên địa bàn TP. Cụ thể, vào đầu tuần và giữa tuần thời tiết nhiều gió, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm quá lớn và ban ngày xuất hiện sương mù dày công với phương tiện giao thông và công trình xây dựng tại các vị trí nội đô tăng nên các chất gây ô nhiễm trong không khí không được khuếch tán dẫn đến chất lượng không khí ô nhiễm.

Tuy nhiên đến cuối tuần, lượng sương mù giảm, xuất hiện nắng nhẹ nên chất lượng không khí giảm hơn so với đầu tuần và giữa tuần, chất lượng không khí đã xuất hiện những ngày tốt vào cuối tuần.

Cụ thể, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục BVMT, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này chất lượng không khí đã cải thiện so với tuần trước đó, đã xuất hiện ngày chất lượng không khí ở mức tốt, số ngày có AQI ở mức kém và xấu đã giảm đi đáng kể.

Đâu là nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm trong tuần qua? - Ảnh 1
Không khí Hà Nội những ngày qua rất xấu.

Với 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, trong tuần này chất lượng không khí ở 2 trạm đã cải thiện hơn. Cả 2 trạm có 2 ngày chất lượng không khí ở mức kém và xấu chiếm 28,57%, còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất lần lượt tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng trong tuần lần lượt  là 161-168.

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí trong tuần này cũng tốt hơn. Cụ thể, Trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày chất lượng không khí ở mức tốt và xấu chiếm 14,29%, 2 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 28,57%; còn lại ở mức trung bình. Trạm Hàng Đậu và trạm Thành Công có 2 ngày chất lượng không khí ớ mức xấu và kém chiếm 28,57%, còn lại ở mức trung bình.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời điểm không khí lạnh suy yếu thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến cho chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao mà đọng lại ở bề mặt, làm nồng độ chất ô nhiễm tăng cao.

Tổng cục Môi trường cho biết, các nghiên cứu khoa học đã giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

Cơ quan này lưu ý thêm, với các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa Đông, cộng hưởng với gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí các tỉnh khu vực phía Bắc.

Khí thải giao thông có phải thủ phạm chính?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Giao Thông, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, dù chưa có số liệu đánh giá chính thức của cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm, tuy nhiên nguồn khí thải, bụi từ hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí bên cạnh các nguồn từ xây dựng, sản xuất công nghiệp, hoạt động dân sinh, đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nguồn khí thải liên tỉnh, liên vùng kết hợp với điều kiện khí hậu thời tiết bất lợi.

Được biết, từ những năm 2000 đã có một số nghiên cứu của tổ chức, cá nhân về tỉ lệ đóng góp của các nguồn phát thải vào ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Cụ thể kết quả nghiên cứu về thành phần bụi PM2.5 của Cohen et al, trong giai đoạn 2001-2008 cho thấy: Phương tiện giao thông (40%), bụi cuốn từ đất (3.4%), Sulfates thứ cấp (7.8%), đốt sinh khối (13%), ngành xi măng và sắt thép (19%), đốt than (17%).

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác năm 2013 lại cho rằng: Bụi thứ cấp hình thành do quá trình phản ứng hoặc tương tác giữa những chất thải phát trực tiếp với môi trường chiếm 40%, phương tiện giao thông chạy dầu Diesel (10%), nấu ăn (16%), Sulfates thứ cấp (16%), muối biển (11%), công nghiệp (6%).

Về thành phần bụi Nano, một nghiên cứu trong năm 2020 chỉ ra: Giao thông (xe chạy xăng và dầu) chiếm 46,28%, bụi thứ cấp chiếm 31,18%, dân cư/thương mại chiếm 12,23%, công nghiệp chiếm 6,05%, bụi cuốn/xây dựng chiếm 2,92%

Theo đại diện Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), phương tiện giao thông cơ giới phát thải khí ô nhiễm chủ yếu là ô tô, xe máy. Cả nước có hơn 3,5 triệu ô tô, hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, con số này đang tiếp tục tăng. Việt Nam đã có quy định niên hạn sử dụng với ô tô tải (25 năm từ ngày sản xuất) và ô tô khách (20 năm). Khi xe hết niên hạn cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy đăng ký và loại bỏ. Với ô tô cá nhân (dưới 9 chỗ ngồi) và xe còn thời hạn lưu hành được kiểm định định kỳ, trong đó có tiêu chuẩn khí thải.

Riêng với xe máy, theo Cục Đăng kiểm, hiện Việt Nam đang thiếu quy định niên hạn sử dụng, cũng không yêu cầu kiểm tra định kỳ. Chỉ quy định xe máy mới bán ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn khí thải. Về kiểm soát khí thải xe máy, Bộ GTVT nhìn nhận, do luật hiện hành thiếu quy định, nên khí thải xe máy đã ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm không khí và an toàn giao thông. Do đó, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã bổ sung quy định: Mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Đâu là nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm trong tuần qua?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới