Hà Nội lại ‘chìm’ trong ô nhiễm không khí
Sáng nay (15/1), Hà Nội mù mịt trong sương, ô nhiễm không khí khiến các phương tiện giao thông đi lại phải bật đèn. Các toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại chìm trong sương mù…
Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP.Hà Nội, sáng nay (15/1), ô nhiễm không khí ở các khu vực phổ biến ở ngưỡng màu đỏ. Ở mốc chỉ số này, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, kết quả quan trắc từ 35 trạm trên địa bàn TP.Hà Nội, thời điểm 9h 26/35 trạm là ngưỡng "xấu" và 9/35 trạm là mức "kém", chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong khoảng 121 - 196.
Trong đó, tình trạng ô nhiễm nặng nhất xảy ra tại một số khu vực: KĐT Pháp Vân - Thanh Trì (AQI ở mức 196); Phố Hàng Đậu (189); đường Phạm Văn Đồng (183); Cầu Diễn - Q. Nam Từ Liêm (179); Thành Công (176); Minh Khai - Bắc Từ Liêm (176)...
Lý giải nguyên nhân về hiện tượng này, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, miền Bắc khả năng sắp đón một đợt không khí lạnh từ ngày 17 - 18/1.
Đặc biệt, trước và sau khi không khí lạnh tràn về sẽ gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới.
Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một “chiếc mũ” và dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí không thể khuếch tán lên cao là một phần nguyên nhân làm chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn trong khoảng thời gian trên.
"Những ngày qua người dân thủ đô Hà Nội có thể thấy rõ tình trạng không khí ô nhiễm hơn và có sương mù có một phần nguyên nhân là do hiện tượng nghịch nhiệt như tôi đã phân tích" - ông Phúc Lâm nhận định.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hoạt động phát thải từ nhiều nguồn như giao thông, xây dựng, công nghiệp, hoạt động dân sinh, trong điều kiện khí tượng không thuận lợi là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), phương tiện giao thông cơ giới phát thải khí ô nhiễm chủ yếu là ô tô, xe máy. Cả nước có hơn 3,5 triệu ô tô, hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, con số này đang tiếp tục tăng. Việt Nam đã có quy định niên hạn sử dụng với ô tô tải (25 năm từ ngày sản xuất) và ô tô khách (20 năm). Khi xe hết niên hạn cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy đăng ký và loại bỏ. Với ô tô cá nhân (dưới 9 chỗ ngồi) và xe còn thời hạn lưu hành được kiểm định định kỳ, trong đó có tiêu chuẩn khí thải.
Riêng với xe máy, theo Cục Đăng kiểm, hiện Việt Nam đang thiếu quy định niên hạn sử dụng, cũng không yêu cầu kiểm tra định kỳ. Chỉ quy định xe máy mới bán ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn khí thải. Về kiểm soát khí thải xe máy, Bộ GTVT nhìn nhận, do luật hiện hành thiếu quy định, nên khí thải xe máy đã ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm không khí và an toàn giao thông. Do đó, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã bổ sung quy định: Mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải.
Bộ trưởng Bộ TN&MT - Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là các phương tiện giao thông tăng chóng mặt, bên cạnh đó là các hoạt động xây dựng, hoạt động phát triển công nghiệp, đốt các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
"Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là bụi mịn, trong thời gian tới cần thống kê được nguồn phác thải, đưa ra quy chuẩn môi trường của các phương tiện giao thông. Từ đó hướng đến các phương tiện giao thông phải đảm bảo tiêu chuẩn được nâng lên. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường không khí từ đó cho phép lưu hành hay cấm..."
Hoài Thu