Thứ sáu, 19/04/2024 19:37 (GMT+7)
    Thứ bảy, 12/02/2022 10:00 (GMT+7)

    Đất Thủ Thiêm khi nào đấu giá lại khi hai công ty bỏ cọc?

    Theo dõi KTMT trên

    Theo quy định, khi có công ty xin bỏ cọc, TP.HCM sẽ giao cho một cơ quan chức năng mời đơn vị này lên, hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để hủy hợp đồng mua bán đã ký trước đó cũng như thông báo quyền, nghĩa vụ phát sinh khi hủy hợp đồng.

    Kết quả đấu giá của Tân Hoàng Minh đã hủy

    Ngày 11/2, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá lô đất 3-12 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

    Doanh nghiệp còn lại xin bỏ cọc là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã gửi văn bản cho các cơ quan chức năng của TP.HCM. Công ty Bình Minh nêu lý do dừng triển khai dự án là để tập trung nguồn lực cho việc khôi phục ảnh hưởng kinh tế do đại dịch Covid-19. Dù vậy, Công ty Bình Minh vẫn cam kết tuân thủ và thực hiện đúng quy chế đấu giá của lô đất.

    Đất Thủ Thiêm khi nào đấu giá lại khi hai công ty bỏ cọc? - Ảnh 1
    UBND TP.HCM đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá lô đất 3-12 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt.

    Công ty Bình Minh cho hay, do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh làm bùng phát dịch trở lại, gây cản trở lớn cho kế hoạch kinh doanh của công ty trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

    Để tập trung nguồn lực cho việc khôi phục các ảnh hưởng kinh tế do đại dịch gây nên và phục vụ kế hoạch phát triển cho các năm tiếp theo, Công ty Bình Minh đã quyết định không tiếp tục thực hiện triển khai dự án Khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại dịch vụ trên lô đất có ký hiệu 3-9 thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

    Được biết, 3-9 là lô đất mà Công ty Bình Minh đã phải trải qua 140 lượt ra giá mới có thể trúng đấu giá với mức cao gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm. Doanh nghiệp sẽ phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Như vậy, tính theo đơn giá đất, Công ty Bình Minh sẽ bỏ ra hơn 1 tỷ đồng/m2.

    Sau khi nhận được văn bản của Công ty Bình Minh, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM sẽ mời đại diện công ty và đại diện UBND TP.HCM (đơn vị có hợp đồng với đơn vị trúng đấu giá) để xem doanh nghiệp có thực hiện nộp theo đấu giá hay không. Đồng thời, hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để hủy hợp đồng mua bán đã ký trước đó cũng như thông báo quyền, nghĩa vụ phát sinh khi hủy hợp đồng.

    Cục Thuế TP.HCM trong khi đó cho biết, 2 doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền trúng đấu giá. Cụ thể, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446 m2) phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1 m2) phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.

    Đất Thủ Thiêm khi nào đấu giá lại khi hai công ty bỏ cọc? - Ảnh 2
    2 doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền trúng đấu giá.

    Trong vòng 30 ngày (kể từ ngày 6/1), theo quy định, các doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất. Chậm nhất trong 90 ngày kể từ ngày 6/1, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% số tiền sử dụng đất còn lại. Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất, cơ quan thuế sẽ xử phạt 0,03%/ngày/số tiền chậm nộp.

    Đất bị bỏ cọc khi nào đấu giá lại?

    Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM khẳng định, sau khi 2 doanh nghiệp bỏ cọc thì các lô đất này được giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM quản lý. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM cho biết, thời gian tổ chức đấu giá lại 2 lô đất này tùy thuộc vào quyết định của UBND TP.HCM.

    Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM hiện tại đang hoàn thiện thủ tục đấu giá cho 6 lô đất ở khu chức năng số 1 và khu 3.790 căn chung cư tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức để tiếp tục đưa ra đấu giá trong thời gian tới.

    Mặt khác, Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng cho biết, trong khu đô thị này hiện còn 51 lô đất với diện tích hơn 793.000 m2. Tất cả diện tích này là đất thương phẩm, là nguồn thu để thực hiện cân đối tài chính trong dự án đầu tư khu đô thị này từ đầu đến nay.

    Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu cho hay, đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị thì trên cơ sở nghiên cứu vận dụng tương tự phương thức đấu thầu 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2013.

    Đất Thủ Thiêm khi nào đấu giá lại khi hai công ty bỏ cọc? - Ảnh 3
    Chưa biết khi nào tổ chức bán đấu giá lại 2 lô đất mà doanh nghiệp vừa bỏ cọc.

    Trong giai đoạn 1, cơ quan có thẩm quyền xem xét báo cáo khả thi dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất, để chọn ra danh sách ngắn các nhà đầu tư có đề xuất có tính khả thi và đạt chuẩn điểm số theo hồ sơ mời đấu giá, có thể đạt từ 70 điểm trở lên như quy định của pháp luật về đấu thầu.

    Giai đoạn 2, tổ chức cuộc đấu giá đối với các nhà đầu tư trong danh sách ngắn theo hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp để lựa chọn nhà đầu tư trúng đấu giá quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016.

    Ông Châu kiến nghị: “HoREA nhận thấy, không nên áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá (quy định tại Điều 41 Luật Đấu giá tài sản 2016) đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị, như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp”.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Đất Thủ Thiêm khi nào đấu giá lại khi hai công ty bỏ cọc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
    Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .