Hậu đấu giá đất Thủ Thiêm: Người bỏ cọc, kẻ trễ hẹn nộp tiền, không muốn làm dự án
Tân Hoàng Minh bỏ cọc, "nối gót" công ty Bình Minh yêu cầu không triển khai dự án. Mặt khác, hai doanh nghiệp nhóm Vạn Thịnh Phát được cho biết vẫn đang thực hiện theo hợp đồng.
Theo thông tin các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021 (trừ Tân Hoàng Minh đã có văn bản xin bỏ cọc) chưa nộp tiền dù đã quá hạn mới đây gây xôn xao dư luận.
Vào chiều ngày 8/2, nguồn tin cho biết, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh, đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng liên quan đến lô đất 3-9.
Đây là đơn vị đã trúng đấu giá lô đất 3-9 với số tiền 5.026 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm gấp 6,9 lần. Theo thông báo thuế, doanh nghiệp này sẽ phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, văn bản mà Cục thuế nhận được từ Bình Minh không hề có cụm từ nào thể hiện việc xin bỏ cọc.
Ông Minh thông tin: "Văn bản mà họ gửi cho Cục Thuế, họ ghi yêu cầu là không triển khai thực hiện dự án thôi, tức là họ không triển khai thực hiện dự án chứ họ cũng không có câu nào ghi là bỏ cọc hết. Nghĩa là họ sẽ không triển khai thực hiện dự án trên lô đất đó".
Lý do công ty này đưa ra là do tình hình Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên không đủ vốn để đầu tư vào lô đất đã trúng đấu giá. Trong công văn, Công ty Bình Minh không đề cập mốc thời gian không triển khai dự án trong bao lâu, hay dừng hẳn. Do đó, việc xác định doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi dự án hay không vẫn phải qua nhiều bước".
Nói về công ty Bình Minh, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Lê Duy Minh khẳng định, đây là một doanh nghiệp độc lập, không phải là công ty con hay "sân sau" của đơn vị nào.
Theo bản đăng ký doanh nghiệp, công ty Bình Minh có trụ sở tại quận Tây Hồ, Hà Nội, được thành lập cách đây vào tháng 9/2021 do bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992) làm người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc công ty. Ngành nghề kinh doanh chính ban đầu là là tư vấn đầu tư, vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 100 tỷ đồng.
Một tuần trước khi phiên đấu giá đất diễn ra, doanh nghiệp đã chuyển sang ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng.
Đến ngày 6/1 vừa qua, tức cùng ngày Cục Thuế TP.HCM ra thông báo thuế gửi đến các doanh nghiệp trúng đấu giá việc đóng lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất, bà Liên không còn là chủ doanh nghiệp, song vẫn là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật tại đây. Vị trí chủ doanh nghiệp không được công ty tiết lộ.
Nhóm DN liên quan Vạn Thịnh Phát vẫn đang thực hiện theo hợp đồng dù trễ hẹn nộp tiền.
Như vậy, trong 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm ngày 10/12/2021 nói trên, hai doanh nghiệp còn lại là CTCP Dream Republic (trúng đấu giá lô đất 3-5) và CTCP Sheen Mega (trúng đấu giá lô đất 3-8) vẫn chưa có động thái mới.
Hiện hai doanh nghiệp này đã quá hạn nộp tiền đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ được ba ngày. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về khả năng các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm lần lượt "nối gót" Tân Hoàng Minh bỏ cọc.
Khi được hỏi về động thái “nhắc nhở” hai doanh nghiệp trên nộp tiền, Chánh văn phòng và người phát ngôn của UBND TP.HCM, ông Đặng Quốc Toàn cho biết, hiện các bên đang thực hiện theo hợp đồng, trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể có vướng mắc phát sinh.
Theo quy định, nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Đặc biệt, cả hai doanh nghiệp còn lại này đều có liên quan đến một “đế chế” bất động sản phía nam là Vạn Thịnh Phát, chủ của loạt dự án nổi bật tại TP.HCM như tòa nhà Time Square, Thuận Kiều Plaza, Khách sạn Windsor Plaza.
Về CTCP Dream Republic, đây là đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-5 với giá 3.820 tỷ đồng. Theo thông báo thuế, Dream Republic phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ.
Doanh nghiệp được thành lập tháng 10/2017, hiện có trụ sở tại VVA Tower, 277-279 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Tổng Giám đốc là bà Trần Thị Mộng Linh.
Dream Republic thời điểm thành lập, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó bà Linh sở hữu 40%; Ông Đặng Minh Thắng và ông Trương Ích Quốc mỗi người nắm 30% vốn góp. Chủ sở hữu của Dream Republic là Công ty TNHH Speed Pro, một doanh nghiệp do bà Linh làm Giám đốc, có vốn điều lệ 290 tỷ đồng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Cổ đông công ty, ông Đặng Minh Thắng là Giám đốc của 5 doanh nghiệp, trong đó có CTCP Công nghệ Innoware, doanh nghiệp có hai cổ đông từ Vạn Thịnh Phát là bà Trương Huệ Vân - Thành viên HĐQT Vạn Thịnh Phát và ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh) - Giám đốc Sunny World (công ty con của Vạn Thịnh Phát).
Về CTCP Sheen Mega, đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-8 với giá 4.000 tỷ đồng. Theo thông báo thuế, Sheen Mega phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất và được miễn nộp lệ phí trước bạ.
Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 11/2019, có trụ sở tại 32 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Thời điểm thành lập, Sheen Mega có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Huyền, cổ đông lớn nhất kiêm Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty là (65%). Bà Huyền đồng thời còn là sáng lập Công ty Đắc Vạn Hưng - đơn vị gián tiếp sở hữu số cổ phần Tập đoàn Peninsula, một công ty có liên quan Vạn Thịnh Phát và từng được Vạn Thịnh Phát giới thiệu trên website doanh nghiệp.
Bùi Hằng (T/h)