Thứ sáu, 22/11/2024 17:36 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 15:00 (GMT+7)

Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, nên cấm phân lô, bán nền?

Theo dõi KTMT trên

Việc nhiều địa phương liên tiếp tạm dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô, bán nền sẽ góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Nhưng về lâu dài cần có những quy định cụ thể, rõ ràng đối với đất đai để chặn "sốt đất" trong thị trường BĐS.

Các địa phương đồng loạt “siết” phân lô, tách thửa

Nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra tình trạng đất đai trong thời gian qua, bất động sản (BĐS) bị đầu cơ, môi giới “kích sóng” nhằm “tạo sốt giá ảo” khiến thị trường phát triển không lành mạnh. Điển hình như vụ việc môi giới dựng rạp tạo trò “sốt đất”, chạy như giặc đuổi để chốt lô đất ở Bình Phước, hay việc cò đất nô nức tập trung mua bán đất như đi hội ở Quảng Trị mới đây.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền các địa phương như Hà Nội, Bình Phước, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc,… đã đồng loạt ra văn bản chỉ đạo, tạm dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô, bán nền.

Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, nên cấm phân lô, bán nền? - Ảnh 1
Nhiều địa phương ra văn bản tạm dừng thủ tục hành chính liên quan đến việc phân lô, bán nền đất sai quy định, nhằm ngăn chặn việc cò, mồi…

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan liên quan tạm dừng việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở; chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ tịch UBND TP Đồng Xoài (Bình Phước) mới đây đã ban hành công văn hỏa tốc, đề nghị chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP tạm dừng tách thửa đất, kể cả với những hồ sơ đã tiếp nhận làm trích đo, trích lục bản đồ để tách thửa.

Còn ởtỉnh Vĩnh Phúc, để tránh tình trạng bát nháo trong phân lô bán nền, yêu cầu đối với trường hợp đã chia tách đất, có xây dựng đường giao thông và có dấu hiệu kinh doanh BĐS, hiện trạng thửa đất được phân lô chưa hoàn thiện các hệ thống hạ tầng theo quy định thì tạm dừng cấp quyền sử dụng đất.

Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh cũng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, sau khi báo chí liên tục phản ánh về việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án BĐS quy định trên địa bàn.

Quy định xử phạt cụ thể về đất đai

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định về việc các địa phương đồng loạt “siết” việc phân lô, chia tách thửa đất nông nghiệp cho rằng, việc này sẽ góp phần ngăn chặn được việc gom đất hỗn hợp, tràn lan rồi phân lô, rao bán trái mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp phân lô, tách thửa đúng mục đích sử dụng thì hoàn toàn không bị cấm, vì vậy không hề bị ảnh hưởng bởi các quyết định mới đây.

Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, nên cấm phân lô, bán nền? - Ảnh 2
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Theo ông Thanh, sau loạt động thái mạnh của chính quyền các tỉnh, các giao dịch đất nền có thể bị khựng lại, và đây là điều cần thiết. Bởi nếu thị trường đất nền phát triển nhưng theo hướng tràn lan, tùy tiện để đầu cơ, trục lợi thì sẽ không mang lại lợi ích gì, mà còn góp phần tạo nên tình trạng “sốt đất”, “sốt giá ảo”,…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng, việc phân lô bán nền đang tạo ra hiện tượng găm giữ đất đai tìm cách “thổi giá”. Việc này làm lũng đoạn thị trường BĐS, gây lãng phí tài nguyên và không tạo ra phát triển kinh tế mà chỉ gây rối cho phát triển kinh tế địa phương.

Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, nên cấm phân lô, bán nền? - Ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Kể cả trường hợp người mua đất có nhu cầu ở thực, nhu cầu xây nhà thì cách phát triển nhà ở manh mún như vậy sẽ tạo ra sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tạo áp lực lên địa phương, đồng thời còn phá vỡ quy hoạch của địa phương, gây khó khăn cho hoạt động tập trung đất đai, Chủ tịch Hội môi giới BĐS chia sẻ.

Bàn về giải pháp đối với thị trường hiện tại, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần phải cảnh báo người dân, nếu mua đất phân lô bán nền từ đất nông nghiệp thì sẽ vĩnh viễn không được chuyển mục đích sử dụng đất và không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, nên cấm phân lô, bán nền? - Ảnh 4
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội.

Mặt khác, các chuyên gia BĐS cho rằng, cần xem xét đưa việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp, lâm nghiệp vào Luật Đất đai (sửa đổi), để có cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có thể quản lý và quy hoạch đất đai một cách hợp lý và ổn định.

Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ, chúng ta cần có những quy định về đất đai, thuế và quy hoạch mang tính bền vững và rõ ràng hơn. Chẳng hạn chúng ta có thể sử dụng sắc thuế để xử lý, xử phát những nhà đầu cơ găm giữ đất đai, nhằm mục đích sinh lợi cho bản thân, làm tăng giá bất thường, tạo bong bóng cho thị trường BĐS. Và khi nhà đầu cơ nhận thấy bị đánh thuế quá nhiều, không có lợi cho bản thân thì sẽ từ bỏ việc thao túng thị trường.

Chia sẻ tại hội thảo khoa học do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi, chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc vào tháng 5), GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan soạn thảo đã bốn lần đề cập đến mục tiêu sửa Luật Đất đai. Đó là sửa luật để phát triển nông nghiệp, phát triển bất động sản du lịch, tháo gỡ ách tắc trong phê duyệt đất dự án nhà ở, và giải quyết việc người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên các lô đất ở Việt Nam.

Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, nên cấm phân lô, bán nền? - Ảnh 5
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cho rằng dự luật vẫn còn vĩ mô, chưa giải quyết các vấn đề cụ thể, ông Võ đề xuất ban soạn thảo "cấm chia lô bán nền, chỉ sử dụng cách thức này ở một số vùng nông thôn đang cần đất ở cho các hộ gia đình tách ra từ một hộ, không mang tính thị trường". Nguyên nhân là chia lô bán nền khiến người dân tích tiền trong đất, để nguyên đất mà không xây dựng hạ tầng phát triển kinh doanh. Điều này chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn, lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, làm cạn kiệt tài nguyên.

Theo ông Võ, sau Luật Đất đai 2003, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã viết tay yêu cầu Nghị định 181 phải có điều cấm hoàn toàn phân lô bán nền ở khu vực đô thị và phát triển quy hoạch đô thị. Nhưng chỉ vài năm sau đó, quy định lại mở hơn, cho phép phân lô bán nền ở thị trấn và nông thôn. Đến Luật Đất đai 2013 thì cho phép chia lô bán nền ngay trung tâm thành phố.

"Điều này là không hợp lý nên cơ chế chia lô bán nền phải dứt khoát bỏ. Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, sau đó mới ở loại đất khác", GS. Hùng Võ nói.

Sau rất nhiều lần lùi, hoãn, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các nội dung Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất sửa đổi Luật Đất đai gồm có quy hoạch quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không; vấn đề sử dụng đa mục đích; xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Dự luật cũng quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; kiểm soát chặt và công khai việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi; trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất...

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, nên cấm phân lô, bán nền?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới