Thứ sáu, 22/11/2024 10:02 (GMT+7)
    Thứ sáu, 04/03/2022 12:51 (GMT+7)

    Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới về phân lô, bán nền

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Xây dựng cho biết, mới đây Bộ đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước với nội dung liên quan tới việc phân lô bán nền hiện nay.

    Theo phản ánh từ cử tri, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Đất đai quy định đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị có nhà ở trong một số trường hợp được thực hiện phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Điều này dẫn đến một số khó khăn trong điều hành, quản lý của địa phương, đó là: Đất nền phân lô các dự án khu dân cư tương đối nhiều nhưng nhiều trường hợp mua bán đất để đầu cơ chứ không có nhu cầu xây dựng nhà để ở.

    Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới về phân lô, bán nền - Ảnh 1
    Tình trạng phân lô, bán nền trái phép xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua.

    Đáng lưu ý, đất nền phân lô, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội sau khi đã đầu tư hoàn thành thì để trống không sử dụng nên dẫn đến lãng phí về mặt xã hội.

    Trong khi đó, sản phẩm của dự án là nhà ở thì các nhà đầu tư ít quan tâm đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật cũng không ràng buộc việc phải xây dựng nhà ở nên sản phẩm chính của dự án là nhà ở thì không có, dẫn đến sự thiếu hụt về nhà ở.

    Do vậy, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, quy định các chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng số lượng căn nhà với một tỷ lệ nhất định (tối thiểu 10-30%) trên tổng số các lô đất của toàn dự án. Đáp ứng được điều kiện này dự án mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội..

    Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, quy định pháp luật hiện hành cho phép các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và khu nhà ở trong một số trường hợp được áp dụng việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở.

    Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để xem xét việc có áp dụng quy định nêu trên hay không thì UBND cấp tỉnh cần căn cứ điều kiện, nhu cầu phát triển đô thị tại từng địa phương và sự phù hợp trong đề xuất của từng chủ đầu tư trước khi quyết định cho phép áp dụng, nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý Nhà nước trong đầu tư phát triển đô thị theo quy định.

    Trường hợp UBND cấp tỉnh cho phép các dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, thì UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo việc đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan có liên quan và chủ đầu tư đã được quy định, theo Bộ Xây dựng.

    Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.

    Trong đó, đối với quy định về việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đơn giản hóa theo hướng "Phân cấp toàn bộ cho UBND cấp tỉnh quyết định khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt…" và yêu cầu bổ sung quy định"… tăng cường việc kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đối với các địa phương thực hiện".

    Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, dự kiến trình Chính phủ trong quý I năm nay.

    Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5–7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

    Tại thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

    Tại Lâm Đồng, thời gian qua, có nhiều trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, giao dịch phân lô, bán nền tương tự các dự án bất động sản. Thực trạng này gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

    Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.

    Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới về phân lô, bán nền - Ảnh 2
    Dự án TTC World của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công lấy đi 220 ha đất rừng ở TP.Đà Lạt. Ảnh: Đông Tẩu - Nguyễn Thu

    Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

    Căn cứ khoản 1 điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 17 điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP), điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm: Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có); Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định. Cụ thể, chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.

    Triều Châu

    Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới về phân lô, bán nền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.