Chủ nhật, 12/05/2024 20:46 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/09/2023 13:25 (GMT+7)

Đạo trồng cây, đạo trồng người

Theo dõi KTMT trên

Việc trồng cây rất gần gũi với việc trồng người nên ngày nay, triết học văn hóa vẫn ví von con người như cây xanh, phải trồng trọt, chăm bón…

Hai chữ “văn hóa” hiện thế giới đang dùng được bắt nguồn từ chữ Latin “Cultus” có nghĩa gốc là gieo trồng, “Cultus Agri” là “gieo trồng ruộng đất”, “Cultus Animi” là “gieo trồng tinh thần”. Như vậy việc trồng cây rất gần gũi với việc trồng người nên ngày nay, triết học văn hóa vẫn ví von con người như cây xanh, phải trồng trọt, chăm bón…

Điều này triết học phương Đông xưa đã nói từ rất lâu: “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân” (Nghĩa là: Kế mười năm chi bằng trồng cây. Kế suốt đời chi bằng trồng người). Bác Hồ đã kế thừa và phát triển thành câu ai cũng hiểu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” - đây không chỉ là nguyên lý, chân lý, mà còn là đạo lý.

Đạo trồng cây, đạo trồng người - Ảnh 1

Ngày nay, do môi sinh ngày càng bị tàn phá, môi trường ô nhiễm nặng nề nên việc trồng cây trở nên cấp bách, do vậy nói “đạo trồng cây” cũng không có gì là quá vì gắn liền với sự sinh tồn của con người. Ngôi nhà phải có mái che thì con người mới ở được. Ngôi nhà Trái đất được “lợp” bằng cây cối thì loài người mới tồn tại và phát triển được!

Trồng cây vào đất đai, trồng người vào mảnh đất văn hóa (tức môi trường giáo dục) là gia đình, nhà trường và xã hội. Đất tốt thì cây tốt, người tốt như là một sự đương nhiên vậy. Thế giới đang hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là cụ thể hóa triết lý học để làm người. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì mỗi cá nhân từ ấu thơ đến lúc trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống từ gia đình. Hầu hết các nhân cách lớn đều sinh ra từ nếp nhà tốt đẹp.

Cách giáo dục tốt nhất là nêu gương. Nhân cách đứa con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm thói xấu nếu có bố mẹ tham nhũng, ăn của đút lót, lười biếng,... Hạt nhân hợp lý của câu tục ngữ “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” chính là nhắc nhở người lớn phải là tấm gương cho trẻ. Ở nhà ông bà cha mẹ anh chị làm gương. Đến trường thầy cô làm gương. Ngoài xã hội người lớn làm gương thì trẻ em nhất định sẽ phát triển nhân cách tốt. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân, bởi bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi.

Giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân mỗi người là rất quan trọng. Cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người trước rồi mới dạy chữ. “Không thầy đố mày làm nên”. Thời nào thì nhà trường và người thầy cũng quyết định chất lượng giáo dục. Muốn có nhiều tài năng thì phải có những người thầy tài năng. Đầu tư cho giáo dục thì trọng điểm là đầu tư cho việc giáo dục người thầy, tức nâng cấp hệ thống các trường sư phạm một cách căn bản. Khuyến khích người tài vào ngành giáo dục. Từng bước nâng cao đời sống giáo viên để họ có cuộc sống tạm ổn định để yên tâm với nghề. Đạo đức là gốc của nhân cách. Đạo đức cũng là gốc của pháp luật. Một ng­ười có đạo đức tốt có thể thiếu kiến thức luật pháp như­ng sẽ có nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và sẽ ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức.

Do vậy, nâng cao kiến thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Trong thời toàn cầu hóa hôm nay, đạo đức và pháp luật được coi là những nhánh rễ chính của cây Nhân Cách Người!

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

Bạn đang đọc bài viết Đạo trồng cây, đạo trồng người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới