Sáng kiến Doanh nghiệp và Tổ chức xã hội hợp tác trồng cây giảm thiểu carbon
Chiều ngày 25/04/2023 tại TP. HCM, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) đã tổ chức buổi Toạ đàm đa bên Tạo giá trị chung (CSV Talk) với chủ đề “Doanh nghiệp và Tổ chức xã hội hợp tác trồng cây giảm thiểu carbon”.
Đây là sự kiện thứ 4 của chuỗi CSV Talk hướng tới thúc đẩy các hoạt động, sáng kiến CSR - CSV (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp - tạo giá trị chung), nằm trong khuôn khổ dự án “Win - Win for Vietnam” do RED phối hợp với ProNGO! e. V. (Đức) tổ chức, Liên minh châu Âu đồng tài trợ.
CSV Talk 04 có sự tham gia của hơn 30 người tham dự đến từ các tổ chức xã hội và doanh nghiệp lớn nhỏ có quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững và tạo giá trị chung, đặc biệt trong lĩnh vực giảm thiểu carbon. Bên cạnh sáng kiến khởi xướng bởi RED, đại diện 2 doanh nghiệp SBBE và CAS-Energy có phiên chia sẻ về các dự án trồng cây giảm thiểu carbon, cùng với phần chia sẻ cá nhân lần lượt của người tham dự.
Tại sự kiện, đại diện RED Communication đã chia sẻ về các sáng kiến hợp tác CSV điển hình trong lĩnh vực trồng cây và giảm thiểu carbon, như nền tảng tra cứu thông tin Ecosia.org và sáng kiến “1% for the planet” - cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp trích 1% lợi nhuận cho các hoạt động vì môi trường, đóng vai trò trung gian giữa doanh nghiệp thành viên và các tổ chức môi trường uy tín trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, một ví dụ CSV điển hình là chiến dịch “Mua bán đồ cũ, góp cây tạo sinh kế” do Chợ Tốt phối hợp cùng TreeBank thực hiện. Theo đó, với mỗi giao dịch mua bán đồ cũ, Chợ Tốt thay mặt người dùng quyên góp 1 cây giống măng Bát Độ cho đồng bào khó khăn ở Sơn La thông qua TreeBank. Áp dụng mô hình CSV, chiến dịch đã đạt thành công ngoài mong đợi. Về lợi ích kinh tế, chiến dịch đạt 150% chỉ tiêu người dùng với chi phí thấp hơn mức trung bình 40%, hơn 100 earned media, hơn 300 KOL, cộng đồng, đối tác tham gia. Về tác động đến môi trường, chiến dịch đã góp 5.000 cây giống, với hơn 10.000 món đồ cũ được bán, tương đương mức giảm 4.944 tấn CO2.
Thành công của chiến dịch là một minh chứng rõ nét cho thấy khi áp dụng chiến lược CSV phù hợp, lồng ghép những giá trị phát triển bền vững vào hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo được tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường, đồng thời khai thác hiệu quả hợp tác với tổ chức xã hội, đóng góp vào phát triển bền vững. Trong tương lai gần, TreeBank sẽ triển khai mô hình hợp tác với Omeez (nền tảng affiliate marketing) với hệ thống hoạt động xây dựng “cộng đồng xanh” dành cho các merchant, publisher và người dùng cùng tham gia vào các dự án trồng cây và phát triển bền vững.
Chia sẻ trực tuyến tại sự kiện, ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS-Energy, trình bày về ý tưởng dự án phủ xanh mái nhà đô thị. Theo ông, những thách thức đô thị lớn ở Việt Nam bao gồm ô nhiễm không khí, ngập lụt, thiếu không gian xanh, trong khi các mái nhà ở đô thị chưa được tận dụng. Cũng dựa trên mô hình CSV, sáng kiến kêu gọi sự tham gia của tổ chức xã hội, chủ công trình, cộng đồng cư dân, dự án đạt được lợi ích toàn diện cho tất cả các bên: tăng cường cảnh quan, phục hồi đa dạng sinh học, cung cấp thực phẩm sạch, tăng giá trị bất động sản.
“Một dự án chỉ bền vững khi và chỉ khi có nhiều bên tham gia, và tất cả các bên đều cùng hưởng lợi. Quá trình hợp tác sẽ tạo ra các ảnh hưởng tích cực đến môi trường, xã hội và chính doanh nghiệp”. Ông Đông nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Hải, Giám đốc Công ty SBBE, mang đến sáng kiến trồng tre nhằm giảm thiểu carbon. Hiểu được những lợi thế ưu việt của tre trong giảm thiểu carbon (tre chỉ mất 3-5 năm để trưởng thành, thải ra lượng oxy nhiều hơn 35% so với các loài cây khác), SBBE đã triển khai giải pháp xanh với 7 giai đoạn, từ khảo sát, tư vấn, cung cấp giống, dịch vụ trồng, chăm sóc, khai thác đến thu mua, với sự hợp tác cùng nhiều đối tác doanh nghiệp, tổ chức. Ông Hải chia sẻ, dự án có “3 không”: không phá rừng, không cạnh tranh với người dân địa phương, không đơn canh, và “3 có”: Value - giá trị, Innovation và Impact - đổi mới sáng tạo và tác động thực chất, Profit - lợi nhuận.
Ngoài phần trình bày của đại diện doanh nghiệp khách mời, CSV Talk còn là không gian để từng khách mời tham dự bày tỏ suy nghĩ, viễn kiến, ý tưởng. Qua thảo luận, có thể nhận thấy phát triển bền vững, giảm thiểu carbon và trồng cây, thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và tạo giá trị chung bền vững đã trở thành mối quan tâm lớn của cả cộng đồng. Đó là nền tảng mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội để tăng khả năng tạo tác động, tạo giá trị chung, mà đích đến cuối cùng là tất cả các bên đều có lợi. Tất cả người tham dự đều đồng tình rằng doanh nghiệp, tổ chức ở lĩnh vực nào cũng đều có khả năng và trách nhiệm đóng góp cho phát triển bền vững.
Phiên thảo luận trong 3 giờ đã gợi mở rất nhiều viễn kiến và cơ hội hợp tác vì phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực trồng cây và giảm thiểu carbon. Đây là vấn đề thời sự ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn còn trong giai đoạn sơ khai tại Việt Nam.
Với mục tiêu trở thành tổ chức tiên phong thúc đẩy hoạt động CSV, RED và dự án “Win - Win for Vietnam” sẽ tiếp tục mang đến những sự kiện, hội thảo, diễn đàn để kết nối, góp phần xây dựng một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác với các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các dự án CSR/CSV hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao nhận thức của các bên về CSR/CSV và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội Việt Nam trong việc hợp tác với doanh nghiệp.
3 buổi CSV Talk đã tổ chức trong tháng 9, 10, và 11 năm 2022, với các chủ đề lần lượt là “Creating shared value Tech - Enterprise - Development: Vision & Innovation", “Tiêu dùng bền vững ở các khu chung cư: Nhu cầu & giải pháp” và “Tương lai của thực phẩm: Vấn đề & Cơ hội hợp tác”, mang đến nhiều thảo luận đa chiều về những cơ hội, thách thức và giải pháp tiềm năng trong hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội giải quyết các vấn đề phát triển.
Bá Cường