Đánh giá hiện trạng vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp ở xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai)
Những quy định về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, qua khảo sát ở xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội), thực tiễn quản lý đất đai còn khá nhiều bất cập.
Điều 142 Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ một số quy định liên quan đến việc sử dụng đất trang trại. Theo đó, Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Khoản 5 điều 142 cũng quy định, nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất.
Từ những thực trạng và đánh giá tính cấp thiết của vấn đề trên, Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai tuyến bài chuyên đề về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói chung, đồng thời làm rõ góc nhìn từ công tác sử dụng đất nông nghiệp trong tác động kinh tế - môi trường ở địa phương. Để minh chứng cho chuyên đề, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã khảo sát thực tiễn một số địa phương, trong đó có địa bàn xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội).
Nhà hàng, bể bơi, kho bãi “mọc” trên đất trang trại
Qua thu thập tư liệu và đánh giá hiện trạng cho thấy xã Ngọc Mỹ đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai, nhất là về thực trạng sử dụng sai mục đích đất trang trại. Cụ thể, đất trang trại nhiều năm bị “xẻ thịt”, hô biến thành nhà hàng, bể bơi, kho bãi để kinh doanh.
Cụ thể, theo tìm hiểu của Phóng viên, trang trại Đồng Chằm thuộc xã Ngọc Mỹ từ lâu đã biến thành nơi kinh doanh quán café và bể bơi. Ngày 16/7, phóng viên có mặt tại trang trại Đồng Chằm. Thực tế cho thấy, việc treo biển “Trang trại Đồng Chằm” ở bên ngoài dường như chỉ để “che mắt” cơ quan chức năng. Bởi bên trong, trang trại này được dựng lên những chiếc lều khung sắt kiên cố và có lợp mái để phục vụ mục đích kinh doanh. Thậm chí, giữa sân chính còn có cả sân khấu, loa đài để phục vụ hát hò. Lúc Phóng viên có mặt xuất hiện nhiều khách hàng dùng cơm trưa tại “trang trại” này.
Đi vào sâu bên trong là 2 bể bơi có diện tích rất lớn, trong đó có 1 bể bơi dành cho người lớn, 1 bể bơi dành cho trẻ em. Bể bơi người lớn có độ sâu 1,5m, bể bơi trẻ em 0,8m. Theo người phụ trách tại đây, trẻ em và người lớn đều thu vé đồng giá 30.000 đồng/lượt bơi. Thậm chí, có giáo viên còn thuê địa điểm ở đây làm nơi dạy bơi cho trẻ em.
Ngay sát trang trại Đồng Chằm, nằm trên tỉnh lộ 412B (đoạn đi qua xã Ngọc Mỹ) cũng xuất hiện kho bãi chứa vật liệu xây dựng. Theo đó, kho bãi này rộng hàng trăm m2 được dựng bằng khung sắt, mái tôn kiên cố. Bên trong, rất nhiều ô tô tải tập kết. Bên ngoài biển ghi dòng chữ: Đại lý phân phối Xi măng The VISSAI, kho sắt thép Việt Nga.
Cách đó không xa, nhà hàng Đồng Quê (xã Ngọc Mỹ) cũng xây dựng, kinh doanh trên đất trang trại. Theo khảo sát của phóng viên, chủ nhà hàng còn ngang nhiên và công khai trưng biển Ẩm thực Đồng quê, Bia hơi Hà Nội ngay trước cổng và sát lề đường. Bên trong, những chiếc nhà khung sắt, lợp mái tôn được dựng lên để làm nơi ăn nhậu của thực khách. Vị trí của nhà hàng này ngay tại vị trí giao của đường Bắc – Nam với tỉnh lộ 412B. Vì vậy, việc xe ra vào nhà hàng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Điều đáng nói, mặc dù các nhà hàng, bể bơi, kho bãi này hoạt động rầm rộ, ngay mặt đường, hoạt động trong thời gian dài nhưng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng lại không xử lý. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có tình trạng buông lỏng quản lý hay cố tình làm ngơ cho vi phạm?
Vai trò quản lý của chính quyền địa phương ở đâu?
Để rộng đường dư luận, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Ngọc Mỹ. Ngày 25/7, trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ thừa nhận có việc đất trang trại biến thành điểm kinh doanh nhà hàng, bể bơi, kho bãi. Cụ thể là trang trại Đồng Chằm và nhà hàng Đồng Quê.
“Hai điểm vi phạm này cũng đã nằm trong tầm ngắm của UBND xã trong việc xử lý. Trước đây họ làm trang trại nhưng do khó khăn nên làm nhà hàng, bể bơi”, ông Khải nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, trang trại Đồng Chằm vi phạm làm bể bơi và kinh doanh nhà hàng từ thời điểm nào, vị Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ nói rằng: “Cũng không nắm rõ do mới chuyển về xã Ngọc Mỹ công tác được 1 năm”.
“Đất nông nghiệp chỉ được sử dụng với mục đích nông nghiệp. Trong khi đó, đất để xây dựng hàng quán thuộc diện đất thương mại dịch vụ thuộc về nhóm đất phi nông nghiệp nên việc xây dựng hàng quán trên đất nông nghiệp khi chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất được coi là hành vi vi phạm pháp luật đất đai và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật (Nghị định 91/2019/NĐ-CP)”, Luật sư Nguyễn Huy An nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết sẽ yêu cầu kiểm tra thông tin.
Trao đổi với phóng viên dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, đất nông nghiệp được định nghĩa là đất dùng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng...
Luật sư Huy An cũng khẳng định, theo quy định tại khoản 1 của Điều 170 trong Luật Đất đai năm 2013 về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, có quy định rằng: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định này là việc sử dụng đất sai mục đích. Như vậy, xây dựng trên đất nông nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Vị luật sư Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, trước việc tại xã Ngọc Mỹ đất trang trại biến thành nhà hàng, quán café, bể bơi, cần xem xét trách nhiệm, vai trò của lãnh đạo địa phương ở đâu. Bởi sự việc này diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn chưa bị xử lý. Việc vi phạm này sẽ là tiền lệ xấu cho các hành vi vi phạm trên đất nông nghiệp tại địa phương”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Vào tháng 12/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định số 729/QĐ- TTCP ngày 21/12/2023 và kế hoạch thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.
Đoàn thanh tra gồm 15 người có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng trên địa bàn TP.Hà Nội gồm công tác gồm công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn một số quận, huyện thuộc TP.Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 73/NQ - CP ngày 23/9/2019 và Nghị quyết số 116/NQ - CP ngày 06/12/2019 của Chính phủ; Quy hoạch và quản lý, sử dụng đất 20% làm nhà ở xã hội của TP.Hà Nội.
Minh An