Thứ hai, 25/11/2024 22:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 11:55 (GMT+7)

Đánh bắt hải sản là 'nạn nhân' nhưng ở mức độ nào đó cũng là 'tác nhân' của rác nhựa đại dương

Theo dõi KTMT trên

Những nghiên cứu gần đây nhất đã cho thấy, nếu không có giải pháp khắc phục thì rác nhựa sẽ là thủ phạm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái đại dương và chắc chắn ảnh hưởng xấu tới nguồn lợi hải sản, sản lượng đánh bắt và giảm thu nhập của lượng lao động lớn.

Mở đầu

Những năm gần đây, rác nhựa đại dương trở thành đề tài nóng của Thế giới, được nhắc liên tục trên các phương tiện đại chúng. Những nghiên cứu gần đây nhất đã cho thấy, nếu không có giải pháp khắc phục thì rác nhựa sẽ là thủ phạm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái đại dương, ô nhiễm đại dương và chắc chắn là ảnh hưởng xấu tới nguồn lợi hải sản, giảm năng suất, sản lượng đánh bắt và giảm thu nhập của lượng lao động lớn kiếm sống bằng những chuyến ra khơi, bám biển. Như vậy có thể thấy, “nạn nhân” trực tiếp của rác nhựa đại dương chính là ngư dân đánh bắt hải sản.

Rác nhựa là loại rác khó phân hủy, có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường, ngay cả trong môi trường nước biển. Nhựa trong các đại dương của chúng ta có thể phát sinh từ cả nguồn trên đất liền hoặc hoạt động trên biển. Ở cấp độ toàn cầu, các ước tính gần đây cho thấy khoảng 80% nhựa đại dương đến từ các nguồn trên đất liền và 20% còn lại từ các nguồn trên biển. Trong số 20% từ các nguồn trên biển, ước tính rằng khoảng một nửa (10%) phát sinh từ các đội tàu đánh cá (chẳng hạn như ngư lưới cụ bị thất thoát và tàu bị chìm trên biển). Điều này được minh chứng thêm bởi các số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy ngư cụ bị bỏ hoang, thất lạc hoặc bị loại bỏ đóng góp khoảng 10% vào tổng số rác nhựa đại dương. Như vậy, có thể thấy hoạt động đánh bắt hải sản cũng có thể phát sinh rác thải nhựa ra biển và đây là lượng rác không nhỏ, nhiều loại có tác động rất xấu đến động vật biển, đến rạn san hô nên cũng có thể coi hoạt động này là tác nhân góp phần tăng cường rác nhựa đại dương. Trong bài viết này chúng tôi muốn làm rõ hơn cả hai khía cạnh này qua tham khảo các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước gần đây.

1. Nhựa và rác nhựa đại dương

Tra trên mạng, chúng tôi thấy có một bài đăng, giải thích khá rõ nét về nhựa và tác dụng của nhựa:

Nhựa là một thuật ngữ chung cho một loạt các vật liệu dẻo tổng hợp hoặc bán tổng hợp được sử dụng phổ biến, ứng dụng rộng khắp trong hầu khắp các ngành công nghiệp. Chúng ta có thể bắt gặp vật liệu nhựa khắp mọi nơi, chúng hiện hữu tại mọi ngóc ngách trong cuộc sống, khiến những sinh hoạt hằng ngày trở nên dễ dàng, an toàn và thú vị hơn” [1]. Bài đăng này cũng chỉ ra 7 loại nhóm nhựa đang được lưu hành trên thị trường, gao gồm:

Số 1 – PET (nhựa polyethylene terephthalate)...

Số 2 – HDPE (nhựa high-density polyethylene)...

Số 3 - PVC (nhựa polyvinyl chloride)...

Số 4 – LDPE (nhựa low-density polyethylene)...

Số 5 – PP (nhựa polypropylene)...

Số 6 - PS/PS-E (nhựa polystyrene/expanded polystyrene)...

Số 7 – Các loại nhựa khác.”

Như vậy, phần lớn nhựa được sử dụng ngày nay là nhựa tổng hợp, có thể sản xuất cùng quá trình chế biến dầu thô. Tuy nhiên, đã có loại nhựa mới hơn sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo như sinh khối chẳng hạn.

Chắc chắn, ai cũng phải công nhận, sáng chế, sản xuất được nhựa là kỳ tích của khoa học công nghệ, giúp con người có được nhiều sản phẩm tiêu dùng rất thuận tiện, rẻ, bền. Nhưng rồi, khi mức tiêu dùng ngày một tăng, rác nhựa lại chậm phân hủy nên rác nhưa thải ra môi trường tích đọng càng ngày càng nhiều. Hiện tại, có nhiều công trình nghiên cứu xử lý rác nhựa nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu nên rác nhựa tồn đọng trong môi trường vẫn không ngừng tăng. Đại dương là nơi rác nhựa tích đọng ngày một nhiều, cả từ nguồn rác nhựa trôi từ lục địa ra, cả từ xả thải của các hoạt động trên biển, đáng chú ý là từ giao thông biển và đánh bắt hải sản trên biển, đại dương.

Trên trang mạng của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) tháng 11 năm 2021 [2] đã đăng tóm tắt vấn đề rác nhựa đại dương với những con số rất đáng suy ngẫm:

  • Hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm để sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
  • Ít nhất 14 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm và nhựa chiếm 80% tổng số các mảnh vụn biển được tìm thấy từ vùng nước bề mặt đến trầm tích dưới đáy biển sâu.
  • Các loài sinh vật biển ăn phải hoặc bị vướng bởi các mảnh vụn nhựa, gây thương tích nặng và tử vong.
  • Ô nhiễm nhựa đe dọa chất lượng và an toàn thực phẩm, sức khỏe con người, du lịch ven biển và góp phần vào biến đổi khí hậu.
  • Hiện có nhu cầu rất cấp thiết để tìm hiểu các thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới và hiện có để giải quyết ô nhiễm nhựa ở biển.

Theo ước tính được đăng tải trên tài liệu Chiến lược Không rác nhựa (Strategy on Zero Plastic Waste) của Canada [3] thì phần lớn ô nhiễm nhựa xâm nhập vào môi trường từ đất liền nhưng các nguồn từ biển cũng có tác động đáng kể và là nguồn quan trọng của rác thải nhựa biển. Người ta ước tính rằng trên toàn cầu khoảng 70% mảnh vụn nhựa kích thước lớn trôi nổi (tính theo trọng lượng) ngoài biển khơi có liên quan đến đánh bắt cá. Khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị mất trên toàn cầu mỗi năm; theo ước tính con số này đại diện cho ít hơn 10% lượng rác biển toàn cầu tính theo khối lượng. Các ngư cụ bị bỏ rơi, thất lạc và bị loại bỏ (ALDFG) có thể dẫn đến vướng mắc và đánh bắt ma - theo đó các thiết bị này vẫn tiếp tục đánh bắt và bẫy sinh vật biển. Khoảng 100.000 động vật có vú chết mỗi năm trên toàn thế giới vì rác (vướng và nuốt phải).

Những con số, những kết quả nghiên cứu đã có cảnh báo rất nghiêm trọng về tác hại của rác nhựa hiện nay và cả mai sau, buộc cộng đồng toàn Thế giới phải vào cuộc, tìm cách giảm thiểu, tiến tới đạt mục tiêu Không rác nhựa (Zero Plastic Waste) trong tương lai gần. Thuật ngữ Không rác nhựa cũng rất dễ bị hiểu nhầm là không còn sử dụng nhựa nữa mà phải hiểu theo nghĩa rộng và được áp dụng khác nhau, chẳng hạn, theo Liên minh Quốc tế Không chất thải: Không chất thải: Bảo tồn tất cả các nguồn tài nguyên bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi có trách nhiệm các sản phẩm, bao bì và vật liệu mà không cần đốt và không thải ra đất, nước hoặc không khí đe dọa đến môi trường hoặc sức khỏe con người, với lưu ý: Định nghĩa này đã được cập nhật vào tháng 12 năm 2018. Ở một cách tiếp cận khác thì tiếp cận không chất thải nghĩa là tìm cách tối đa hóa việc tái chế, giảm thiểu chất thải, giảm tiêu thụ và đảm bảo rằng các sản phẩm được tạo ra để được tái sử dụng, sửa chữa hoặc tái chế đưa trở lại tự nhiên hoặc thị trường (cập nhật ngày 15 tháng 6 năm 2021).

Vậy câu hỏi, vấn đề đặt ra là mục tiêu Không rác nhựa có thể đạt được không, dễ hay khó?, nên thực hiện ở quy mô nào (quốc tế, quốc gia, cộng đồng) để đạt được mục tiêu này? luôn thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia và cả các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, phải thừa nhận là trả lời, giải quyết chúng không dễ và khó có phương thức giải pháp tạo được đồng thuận cao trên phạm vi toàn Thế giới. Hiện đang có nhiều dự án được thực hiện ở nhiều quốc gia nhưng hiệu quả giảm thiểu phát thải rác nhựa đại dương và giảm thiểu tác hại của chúng vẫn còn rất hạn chế. Ngay tại một nước phát triển như Canada mà vẫn còn phải tìm kiếm các Sáng kiến Không chất thải nhựa nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi trong suốt vòng đời của chất dẻo để tăng cường thu gom chất thải, cải thiện việc thu hồi giá trị và ngăn ngừa, loại bỏ ô nhiễm nhựa. Đây là cơ chế hỗ trợ các dự án sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo dẫn đến các tác động tích cực, có thể đo lường được nhằm giảm thiểu ô nhiễm và chất thải nhựa ở Canada. Các dự án đủ điều kiện để được cấp vốn lên đến tối đa là 250.000 USD. tối thiểu là 25.000 USD với thời hạn bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 4 năm 2020 và hoàn thành không muộn hơn ngày 31 tháng 3 năm 2022 [4].

Chắc chắn trong thời gian tới, từ sau 2022, Thế giới nói chung, các quốc gia và các cộng đồng nói riêng phải nỗ lực hơn nữa, nhanh chóng tìm ra giải pháp giảm, tiến tới Không rác nhựa đại dương

2. Quản lý, nghiên cứu rác nhựa đại dương ở Việt Nam

Việt Nam có đường bờ biển dài, có vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng lớn và nền kinh tế biển phát triển đa dạng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang gây bức xúc cho phát triển kinh tế biển, gây nhiều khó khăn cho hàng chục triệu người sống gần biển, kiếm sống nhờ khai thác tài nguyên biển, đó là rác nhựa đại dương. Những nội dung trình bày ở trên cho thấy bức tranh chung về hiện trạng rác nhựa đại dương trên bình diện toàn cầu nhưng chắc chắn Việt Nam cũng đang chịu nhiều tác động bất lợi của rác nhựa đại dương. Việt Nam cũng đã sớm nhận thức được vấn đề này và đã cố gắng thực hiện công tác quản lý rác nhựa đại dương trong những năm gần đây. Dưới đây chỉ xin nêu một vài văn bản luật có liên quan trực tiếp đến quản lý rác nhựa đại dương, bao gồm:

- Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030

- Quyết định 1855/QĐ-BTNMT ngày 21/8/2020 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

- Quyết định số: 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 05 tháng 02 năm 2021 Phê duyệt “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030” 

Trong khuôn khổ bài viết này chỉ tập trung phân tích một số điểm đáng ghi nhận của Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030. Kế hoạch này được soạn thảo khá công phu của một nhóm các nhà khoa học ngành Thủy sản, ngành Môi trường và ngành Luật, có sự tài trợ của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH). Để soạn thảo và trình bản kế hoạch này, nhóm các nhà khoa học đã phải tiến hành một loạt nghiên cứu chuyên đề về các lĩnh vực sau:

  • Tổng quan các quy định, quy chế, chế tài, các mô hình hiện có liên quan tới quản lý rác
  • Khung pháp lý tại Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương nói chung và ngành thủy sản nói riêng về rác thải nhựa đại dương trong lĩnh vực thủy sản
  • Tổng quan một số nghiên cứu của quốc tế, khu vực và trong nước về rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa trong thủy sản Việt Nam nói riêng
  • Đánh giá kết quả điều tra, khảo sát thực địa đối với hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản tại một số địa phương
  • Phân tích các bên liên quan trong vấn đề chất thải nhựa đại dương và quản lý chất thải nhựa trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản
  • Xây dựng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa

Vì vậy, bản kế hoạch bám sát thực trạng, diễn biến của các hoạt động ngành thủy sản để đưa ra được các mục tiêu cũng như các đề án, dự án nhiệm vụ rất cụ thể và có tính khả thi cao. Trong tổ chức thực hiện, đã phân rõ trách nhiệm của các đơn vị và của các địa phương cũng như chỉ rõ nguồn kinh phí có thể huy động để thực hiện kế hoạch. Thời gian thực hiện kế hoạch còn dài, còn gần 9 năm nữa nên nếu ngay từ 2022 các tổ chức có trách nhiệm đưa ra được lộ trình thực hiện thật tốt, thật cụ thể, huy động được nguồn lực không chỉ của ngành Thủy sản mà của cả xã hội, cộng đồng thì các mục tiêu đặt ra sẽ đạt được. Chúng ta hy vọng thấy được những kết quả tốt khi thực hiện kế hoạch này, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Một vấn đề nữa cần được làm rõ là tình trạng phát sinh phát thải rác nhựa ngành Thủy sản đang ở mức nào và liệu có thể giảm thiểu được không. Chúng tôi rất vui mừng khi biết Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (KTQHTS) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo trực tuyến “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và hướng tới kinh tế biển xanh” vào ngày 02/12/2021. Rất tiếc là tôi không được mời tham dự hội thảo này nhưng nội dung hội thảo đã được phản ánh khá rõ trên bài viết của tác giả Chu Khôi: Ngành thủy sản “đau đầu” vì rác thải nhựa đăng trên tạp chí điện tử VnEconomy ngay trong ngày diễn ra hội thảo [5]. Bài báo trích dẫn phát biểu của lãnh đạo Viện KTQHTS về lợi ích của các sản phẩm nhựa và những “hậu quả cho môi trường, ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất, tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất trong đo có thủy sản”. Ông Viện trưởng còn cho biết thông tin về quy mô phát triển ngành Thủy sản những năm gần đây với tín hiệu đáng mừng: sản lượng liên tục tăng từ năm 1995 và năm 2020 đã đạt 8,4 triệu tấn, trong đó khai thác đạt 3,85 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD. Trong hội thảo, đại diện của UNDP Việt Nam cho biết, “khảo sát ở riêng cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có hơn 10.000 chiếc tàu hàng ngày đi ra biển, mang lượng rác thải gồm vỏ chai nhựa đựng nước uống, vỏ lon nước ngọt, túi nilon đựng thức ăn rất lớn. Toàn bộ lượng rác thải này đem thả ra biển, đến nay chưa có một tàu nào đem số rác thải này về. Rác thải đó để lại dưới lòng biển. Những vụn nhựa khi cá ăn vào sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho cá, mà sẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho chúng ta khi ăn những hải sản này. Chúng tôi nhìn thách thức đó rất nghiêm trọng”. Chắc chắn nhiều người đọc sẽ rất bức xúc với thông tin mà đại diện của UNDP Việt Nam đưa ra và cũng mong có thêm thông tin chi tiết hơn về khảo sát này.

Trong hội thảo đã có bài trình bày của đại diện Viện KTQHTS, Ths. Vũ Thị Hồng Ngân, cập nhật về kết quả khảo sát, đánh giá phát sinh rác thải nhựa từ ngành Thủy sản. Theo đó, trong ngành khai thác hải sản, rác thải nhựa phát sinh từ ngư lưới cụ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và sinh hoạt. Theo chúng tôi biết thì Viện KTQHTS đang tiến hành đề tài nghiên cứu về rác nhựa ngành Thủy sản và kết quả báo cáo trong hội thảo là kết quả dự án này nên có độ tin cậy cao. Một số kết quả rất đáng quan tâm như: 

  • Cả nước có hơn 35 nghìn tàu cá chiều dài trên 15 m, lượng rác thải nhựa sinh hoạt vào khoảng 5 nghìn tấn/năm. Cùng với đó là hơn 66 nghìn tàu cá có chiều dài dưới 15 m, tính toán lượng rác thải nhựa sinh hoạt từ nhóm tàu này vào khoảng 6-9 nghìn tấn/năm.
  • Bình quân 1 tàu lưới kéo (giã cào) sử dụng từ 10-20 kg túi nilon trong mỗi chuyến biển; tàu dịch vụ sử dụng khoảng 50kg túi nilon trong 1 chuyến biển; tàu khai thác xa bờ sử dụng từ 1.000-20.000 khay nhựa (1,2kg/1khay) để bảo quản hải sản
  • Ngư lưới cụ trong tàu cá khai thác thuỷ sản xa bờ (trên 15m dài) trung bình từ 600-1.500kg/tàu (đặc biệt nghề lưới rê (xù) lên tới 2 tấn). Tỷ lệ thất lạc ngư lưới cụ của các tàu cá vào khoảng 3-5%/năm, tương đương với 1-3 ngàn tấn/năm [5].

Theo chúng tôi, các số liệu nêu trên được trích rút từ hội thảo khoa học do một cơ quan nhà nước và một tổ chức quốc tế đứng ra tổ chức nên đáng tin cậy. Tuy nhiên, vẫn phải chờ đến khi tổng kết dự án mới có được kết quả chính thức trong báo cáo khoa học được nghiệm thu hoặc được đăng tải trên các tạp chí uy tín. Số liệu về túi nilon trong mỗi chuyến biển của tàu lưới kéo nên kiểm tra lại.

Thực ra, trong thời gian vừa qua, các tổ chức quốc tế như WWF, IDH, IUCN, WB,... có tài trợ cho nhiều đề tài, dự án nghiên cứu rác nhựa đại dương ở Việt Nam nhưng rất tiếc kết quả ít được công bố. Tra cứu trên mạng, chúng tôi tìm được một công bố về kết quả nghiên cứu của dự án do Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tài trợ cho Tổng cục Thủy sản với tiêu đề “Khảo sát quốc gia về sự đóng góp rác thải nhựa từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản vào nhựa đại dương” [6]. 

Đây là công trình công bố những kết quả thu được của nhóm chuyên gia, tư vấn khoa học qua hoạt động nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Đơn cử như cách tiếp cận vấn đề được đưa lấy ý kiến của nhiều chuyên gia và thống nhất sử dụng một số thuật ngữ sau:

  • Rác thải hay chất thải rắn ngành thủy sản là những loại ngư lưới cụ, vật liệu, dụng cụ, vật tư… ở thể rắn thải bỏ ra sau khi đã được sử dụng trong các hoạt động ngành thủy sản. 
  • Rác nhựa phát sinh từ ngành thủy sản là thành phần nhựa có trong rác phát sinh từ ngành thủy sản. 
  • Rác nhựa thất thoát ra biển là loại rác nhựa thải bỏ trực tiếp hoặc bị mất trên biển (như lưới, mảnh lưới, chai nhựa, túi nilon…) không hoặc chưa được xử lý hay đưa vào bờ xử lý. 
  • Rác nhựa phát sinh trực tiếp từ ngành thủy sản là thành phần nhựa sau khi sử dụng, thải bỏ trực tiếp ra môi trường hoặc đưa đến các cơ sở xử lý (không tính đến thành phần nhựa trong các bao gói sản phẩm thủy sản đưa đi tiêu thụ). 
  • Rác nhựa phát sinh gián tiếp từ ngành thủy sản là thành phần nhựa trong các bao gói sản phẩm thủy sản đưa đi tiêu thụ.

Từ đó xác định được dòng sản phẩm và dòng rác nhựa ra môi trường như ở hình 1. Chắc chắn trong dòng sản phẩm có dòng nhựa đi kèm nhưng chúng chưa phải là rác nhựa thải ra môi trường.

Đánh bắt hải sản là 'nạn nhân' nhưng ở mức độ nào đó cũng là 'tác nhân' của rác nhựa đại dương - Ảnh 1
Hình 1. Sơ đồ dòng sản phẩm và dòng rác nhựa ra môi trường trong các hoạt động chính của ngành thủy sản [6].

Trong báo cáo còn trình bày các công thức tính mức thải rác nhựa và mức thải trên một đơn vị hoạt động (có thể coi là hệ số phát thải) từ các đối tượng được phỏng vấn (chẳng hạn của một tàu khai thác, của một hộ nuôi trồng hay một xí nghiệp chế biến). 

Các phương pháp nghiên cứu được trình bày cụ thể để có thể áp dụng cho các nghiên cứu khác và phản ánh được mức độ đáng tin cậy của số liệu thu được và xử lý. Khâu khảo sát thực địa được tiến hành ở các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên và Kiên Giang, sử dụng các câu hỏi phỏng vấn được lập sẵn. 

Trong phạm vi bài viết này chỉ nêu một số kết quả thu được về mức phát thải rác nhựa từ hoạt động khai thác hải sản được trình bày trong phần tóm tắt [6]:

Ước tính tổng lượng rác thải nhựa phát sinh do tàu khai thác thủy sản có chiều dài từ 6m trở lên của cả nước vào khoảng 64.143 tấn/năm, trong đó lượng rác nhựa thất thoát ra biển khoảng 3.814 tấn/năm (chiếm 5,6%). Lượng thất thoát ra biển chủ yếu từ nguồn sinh hoạt (chiếm 60% - 2.288 tấn/năm) và một phần từ ngư lưới cụ bị mất thụ động (chiếm 31% - 1.182 tấn/năm) trong quá trình khai thác. Lượng rác thải nhựa phát sinh từ nguồn sinh hoạt trong khai thác thủy sản chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng phát sinh nhưng lại có tỷ lệ thất thoát ra biển cao”. 

Có thể thấy, các kết quả này đã giúp ta hình dung được mức thải từ hoạt động đánh bắt của ngành Thủy sản và là những kết quả đầu tiên ở Việt Nam thuộc loại này nên rất đáng trân trọng và có thể dùng để tham khảo. Ngoài ra, báo cáo cũng thu được những kết quả rất cụ thể, chi tiết, có thể sử dụng như hệ số phát thải, chẳng hạn như chỉ ra trên hình 2 và hình 3.

Đánh bắt hải sản là 'nạn nhân' nhưng ở mức độ nào đó cũng là 'tác nhân' của rác nhựa đại dương - Ảnh 2
Hình 2. Lượng rác nhựa phát sinh (kg/tàu/ngày) của các loại hình khai thác, khảo sát ở Kiên Giang [6].
Đánh bắt hải sản là 'nạn nhân' nhưng ở mức độ nào đó cũng là 'tác nhân' của rác nhựa đại dương - Ảnh 3
Hình 3. Lượng rác nhựa phát sinh (kg/tàu/năm) của các loại hình khai thác, khảo sát ở Kiên Giang [6].

3. Đôi điều suy ngẫm

  • Qua những phân tích ở trên cho thấy rác nhựa đại dương là vấn đề lớn mang tính toàn cầu và đang được cộng đồng quan tâm theo hướng giảm lượng rác nhựa phát sinh và giảm thiểu tác động của chúng đến nguồn lợi biển, hệ sinh thái biển và cả sức khỏe và các hoạt động khác của con người.
  • Rõ ràng cách tiếp cận coi con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây nên ô nhiễm nhựa đại dương là đúng đắn. Cách tiếp cận này phải được truyền đạt để mọi người nhận rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc chống ô nhiếm rác nhựa đại dương.
  • Ngành khai thác thủy sản là đối tượng trực tiếp chịu tác động của rác nhựa đại dương nhưng nếu không được quản lý tốt sẽ là tác nhân trực tiếp làm tăng rác nhựa đại dương gây tác hại rất lớn cho môi trường, điển hình là các loại ngư cụ/lưới “ma” đang gây nhiều bức xúc.
  • Chắc chắn cuộc chiến chống ô nhiễm rác nhựa đại dương còn kéo dài còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc của mọi người, mọi ngành, mọi quốc gia chúng ta vẫn hy vọng thu được thắng lợi.

Tài liệu tham khảo

https://toplist.vn/top-list/loai-nhua-duoc-su-dung-pho-bien-nhat-19777.htm

[1]. Top 7 Loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất, TopList, 15/10/2021 

https://www.iucn.org/resources/issues-briefs/marine-plastic-pollution#:~:text=Over%20300%20million%20tons%20of,waters%20to%20deep%2Dsea%20sediments.

[2]. IUCN, Marine plastic pollution, Last reviewed, November 2021.

http://extwprlegs1.fao.org/docs/pdf/can189817.pdf

[3]. Strategy on Zero Plastic Waste, Canadian Council of Ministers of the Environment, 2018.

https://www.canada.ca/en/environment-climate-change/services/environmental-funding/programs/zero-plastic-waste-initiative.html

[4]. Zero Plastic Waste Initiative, Environmental and Climate Change Canada funding programs, 2020.

https://vneconomy.vn/nganh-thuy-san-dau-dau-vi-rac-thai-nhua.htm

[5]. Ngành thủy sản “đau đầu” vì rác thải nhựa, VnEconomy, 02/12/2021.

https://wwfasia.awsassets.panda.org/downloads/bao_cao_rac_nhua_tro_ng_nganh_thy_sn.pdf

[6]. Khảo sát quốc gia về sự đóng góp rác thải nhựa từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản vào nhựa đại dương, báo cáo kết quả nghiên cứu do WWF hỗ trợ Tổng cục Thủy sản thực hiện, 2020.

Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Đánh bắt hải sản là 'nạn nhân' nhưng ở mức độ nào đó cũng là 'tác nhân' của rác nhựa đại dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới