Đằng sau lợi nhuận 1.071 tỷ đồng của Tập đoàn Nam Long trong năm 2021
Dù năm 2021 Tập đoàn Nam Long đạt lợi nhuận ròng gần 1.071 tỷ đồng nhưng nợ phải trả tăng thêm khoảng 3.200 tỷ đồng, hàng tồn kho cũng tăng lên gần 15.500 tỷ đồng (chiếm hơn 65%) tổng tài sản.
Báo cáo tài chính năm 2021 của Tập đoàn Nam Long (MCK: NLG) thể hiện con số lợi nhuận ấn tượng đạt gần 5.206 tỷ đồng doanh thu thuần và xấp xỉ 1.071 tỷ đồng lãi ròng, gấp 2,3 lần về doanh thu và tăng 28% về lợi nhuận so với năm 2020.
Tổng tài sản của Tập đoàn Nam Long tính đến cuối năm 2021 là trên 23.717 tỷ đồng, tăng 74% so với đầu năm và giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý 3/2021 (trên 24.000 tỷ đồng).
Dòng tiền thuần trong năm của Tập đoàn Nam Long có sự cải thiện khi chuyển từ âm hơn 827 tỷ đồng sang ghi nhận trên 2.038 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, sở dĩ có sự cải thiện đáng kể trong dòng tiền của Tập đoàn Nam Long đến từ việc doanh nghiệp đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong quý 4/2021 có nguồn thu do bán sản phẩm căn hộ tại các dự án bất động sản.
Dòng tiền của NLG được cải thiện còn nguyên nhân khác đến từ việc doanh nghiệp có hơn 2.600 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu thông thường và tái phát hành cổ phiếu quỹ trong năm 2021.
Mặc dù nguồn tiền trong quý 4/2021 của NLG thu về lớn (4.418 tỷ đồng) nhưng lãi ròng lại giảm tới 42,3% khi chỉ đạt 361,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính giảm mạnh từ 649 tỷ đồng xuống còn hơn 56 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng lần lượt gấp 9 lần và 75%. Hoạt động liên doanh liên kết ghi nhận lỗ 3,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 98 tỷ đồng.
Nợ phải trả của NLG thời điểm cuối năm 2021 tặng mạnh khi đạt con số trên 10.100 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Phần lớn là tổng dư nợ vay hơn 3.600 tỷ đồng (khoảng 2.000 tỷ đồng là trái phiếu).
Ngoài ra, NLG ghi nhận hơn 2.400 tỷ đồng từ các khoản ứng trước của các khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất nền nhưng chưa nhận bàn giao (tăng thêm 326 tỷ đồng so với đầu năm).
Vay nợ ngắn hạn trong năm 2021 của NLG cũng tăng từ 932 tỷ đồng lên 1.293 tỷ đồng, vay dài hạn từ 2.457 tỉ lên 3.608 tỷ đồng. NLG còn hơn 2.444 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Hàng tồn kho của NLG trong năm 2021 cũng tăng lên 2,6 lần, từ 6.069 tỷ đồng lên 15.489 tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án Izumi chiếm 7.170 tỷ đồng, Southgate 3.629 tỷ đồng. Tổng tồn kho của hai dự án này lên tới 10.800 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản.
Izumi là dự án bất động sản của Tập đoàn Nam Long ở tỉnh Đồng Nai, đây là dự án hợp tác giữa Nam Long với đối tác Hankyu Hanshin Properties Corp của Nhật Bản. Dự án này xây dựng trên diện tích 170ha, với quy mô 13.500 sản phẩm. Trong khi đó, dự án Southgate nằm ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An được xây dựng với 7 block căn hộ 12 tầng, trên tổng diện tích 4,5ha.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, việc gia tăng hàng tồn kho bất động sản và chi trả các khoản nợ đã khiến cho một số doanh nghiệp ngập vốn trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp, nhiều dự án chưa thể tổ chức bán hàng theo đúng tiến độ đã đề ra, nhà đầu tư cũng dè dặt hơn để bảo toàn nguồn tiền của mình.
Còn đối với Tập đoàn Nam Long, áp lực về trung và dài hạn có thể sẽ xuất hiện nếu như công ty không thể thực hiện thêm các đợt phát hành mới, trong khi dòng tiền kinh doanh không được cải thiện.
Trong khi đó, giải pháp bổ sung dòng tiền từ đi vay có thể sẽ làm xấu đi cán cân nguồn của doanh nghiệp, đồng thời còn làm gia tăng áp lực cho doanh nghiệp này về chi phí lãi vay.
Thực tế trong thời gian qua, chi phí lãi vay của Tập đoàn Nam Long cũng đã có xu hướng gia tăng khá mạnh, từ 2,5 tỷ đồng trong quý 3/2020 lên gần 19 tỷ đồng trong quý 3/2021 (tăng 660%). Chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2021 cũng đã đạt mức 59,5 tỷ đồng, tăng tới 413% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phan Thành