Đan Mạch: Tìm cách giảm lượng khí thải carbon dưới đáy đại dương
Những năm qua trong các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, người ta thường thấy sự phối hợp giữa Việt Nam với Đan Mạch. Đan Mạch đang nỗ lực hành động vì môi trường.
Công ty Đan Mạch lên kế hoạch lắp đặt các trạm sạc điện ngoài khơi để tàu thuyền sử dụng thay cho dầu, giúp giảm lượng khí thải carbon.
Stillstrom, công ty mới thuộc sở hữu của tập đoàn vận tải Maersk (Đan Mạch), phát triển công nghệ cho phép tàu thuyền sạc điện khi neo vào một chiếc phao nối với đất liền thông qua đường dây truyền tải, Interesting Engineering hôm 28/1 đưa tin. Stillstrom đã nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ Hàng hải Đan Mạch và Chương trình Chứng minh và Phát triển Công nghệ Năng lượng.
Maersk mong muốn giảm lượng "khí thải nhàn rỗi" bằng cách lắp đặt hàng trăm trạm sạc ngoài khơi cho tàu thuyền ngoài cảng. Nhờ đó, chúng sẽ sử dụng điện từ trạm sạc thay vì tiêu thụ dầu. Các tàu container có thể tiêu thụ 3 - 5 tấn nhiên liệu mỗi ngày kể cả khi không chạy, theo Maersk.
"Tầm nhìn của chúng tôi tại Stillstrom là giảm carbon cho ngành hàng hải bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng để tàu thuyền sạc năng lượng sạch khi nhàn rỗi. Mục tiêu là loại bỏ 5,5 triệu tấn CO2 trong vòng 5 năm kể từ khi triển khai hoạt động thương mại, đồng thời loại bỏ bụi mịn, NOx và SOx", Sebastian Klasterer Toft, quản lý tại Stillstrom, cho biết.
Stillstrom dự định xây trạm sạc cuối năm nay ở một trang trại điện gió ngoài khơi do công ty Orsted vận hành. Phao điện sẽ cung cấp năng lượng xuyên đêm cho Tàu Hoạt động Dịch vụ (SOV) của Orsted, từ đó hỗ trợ cho mục tiêu giảm thải carbon của công ty này. Orsted sẽ chịu trách nhiệm kết nối phao sạc với lưới điện.
Stillstrom đặt mục tiêu lắp đặt các phao tại 50 - 100 cảng đến năm 2028, theo Toft. Công ty này đang trong quá trình đàm phán với một số cảng trên thế giới.
Chính phủ Đan Mạch cam kết tài trợ ODA không hoàn lại 60,29 triệu Krone, tương đương 8,96 triệu USD cho Việt Nam thực hiện Dự án “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025”, Chương trình DEPP3.
Những năm qua trong các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, người ta thường thấy sự phối hợp giữa Việt Nam với Đan Mạch. Được biết Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (Chương trình DEPP) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ năm 2017.
Chương trình DEPP có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu krone Đan Mạch, tương đương 3,15 triệu USD. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tổng hợp, DEPP được chia thành 3 Hợp phần. Nội dung Hợp phần 1 về nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn; Hợp phần 2 về nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; Hợp phần 3 là phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp.
Tuy có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song các hoạt động của DEPP vẫn được thực hiện. Các cuộc họp trao đổi nội dung kỹ thuật hoạt động đã thực hiện hình thức trực tuyến giữa đại diện của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Cục Năng lượng Đan Mạch, tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước.
Tới nay, các quy định xây dựng của Hợp phần 3 với một loạt quy trình quản lý giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý hiệu quả báo cáo của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán năng lượng, báo cáo định mức tiêu hao năng lượng.
Đây là những công cụ để giúp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực thi hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát hiệu quả tuân thủ quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.
Nguyễn Linh (T/h)