Thứ bảy, 04/05/2024 13:39 (GMT+7)
Thứ ba, 15/11/2022 13:50 (GMT+7)

Đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu

Theo dõi KTMT trên

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành, nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các luật được ban hành sửa đổi sau Luật Đấu thầu.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 15/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành, đặc biệt nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các luật được ban hành sửa đổi sau Luật Đấu thầu…

Để đảm bảo sự chặt chẽ, phù hợp đại biểu Hằng đề nghị Khoản 3, Điều 5 của dự thảo Luật về điều kiện đối với các nhà thầu, nhà thầu, nhà đầu tư, cá nhân cần chỉnh sửa một số quy định cụ thể như sau: Tại Điểm b, khoản 3 sửa lại từ “không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thành “không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”;

Đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu - Ảnh 1
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông). Ảnh: QH

Tại Khoản 4, Điều 17 quy định về hủy thầu. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, đây là quy định quan trọng góp phần tạo tính cạnh tranh, minh bạch của hoạt động đấu thầu; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4, Điều 17 dự thảo chưa quy định rõ về cơ chế đền bù chi phí như thế nào, các bên liên quan phải khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại trước pháp luật dân sự hay theo trình tự, thủ tục nào. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về vấn đề đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu trong các trường hợp trên.

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số tổ chức giám sát để thực hiện.

Quy định rõ về tính cạnh tranh trong đấu thầu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) góp ý vào một số nội dung cụ thể. Theo đó, đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh cần rà soát, quy định cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả trong lĩnh vực đấu thầu.

Đại biểu cho rằng, về tính hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, quy định có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời điểm trình duyệt kết quả nhà thầu, nhà đầu tư là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị sửa “thời điểm trình duyệt kết quả nhà thầu, nhà đầu tư” thành “thời điểm đấu thầu” để tránh trường hợp tiêu cực, hoặc cơ quan đơn vị mất nhiều thời gian lựa chọn nhà thầu.

Đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu - Ảnh 2
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

Về đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, Điều 6 có quy định, nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính để đảm bảo tính bình đẳng. Tuy nhiên, khoản 4 lại quy định nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này. Đại biểu cho rằng, cần quy định nhà thầu được chỉ định thầu phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này, để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức trong chỉ định thầu.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu chỉ ra rằng Dự thảo Luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, cần rà soát hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng như nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các gói thầu có quy mô nhỏ. Đại biểu Tiến đồng thuận với việc sửa đổi Luật và cho rằng, dự án Luật cần có sự thống nhất, đồng bộ với các hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế.

Đối với thực hiện hợp đồng, ông Tiến băn khoăn về nhiều gói thầu có quy mô nhỏ nhưng yêu cầu phức tạp, tỉ mỉ đến từng chi tiết thì việc giao cho cộng đồng thực hiện có khả thi không? Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Cụ thể, về tham gia thực hiện hợp đồng ở Điều 25, theo quy định tại khoản 1 thì nhiều nhiều gói thầu thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được giao cho cộng đồng thực hiện, trong khi năng lực của cộng đồng bị hạn chế.

Tại Khoản 2 quy định những gói thầu có quy mô nhỏ, đại biểu Tiến đồng thuận với dự án Luật nhưng cũng có những gói thầu có quy mô nhỏ nhưng có yêu cầu kỹ thuật phức tạp như: tượng đài, bức tranh, bức tượng điêu khắc... thì việc giao cho cộng đồng thì đại biểu Trần Văn Tiến băn khoăn về tính khả thi thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị gộp Khoản 1 và Khoản 2 thành một quy định theo hướng các gói thầu có quy mô nhỏ, không đạt yêu cầu về kỹ thuật thì giao cho cộng đồng thực hiện. Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này vì liên quan đến tiêu chí thế nào là gói thầu có quy mô nhỏ và thế nào là gói thầu có yêu cầu về kỹ mỹ thuật lựa chọn tư vấn cá nhân?

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới