Thứ bảy, 23/11/2024 02:14 (GMT+7)
Thứ năm, 28/05/2020 10:30 (GMT+7)

Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân vùng sạt lở Quốc lộ 91

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban Nhân dân huyện Châu Phú đã thực hiện di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở và bố trí chỗ ở tạm cho 29 hộ dân trong khu vực nguy hiểm.

Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân vùng sạt lở Quốc lộ 91 - Ảnh 1
Hiện trường vụ sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vào sáng 27/5. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Chiều 27/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác tỉnh An Giang đã đến khảo sát diễn biến nguy cơ xảy ra sạt lở trên tuyến Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Sau khi trực tiếp khảo sát tại khu vực có nguy cơ sạt lở cũng như các phương án ứng phó nếu sạt lở tiếp tục xảy ra, cắt đứt tuyến Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ những khó khăn của địa phương trong quá trình ứng phó sạt lở thời gian qua, đồng thời biểu dương huyện Châu Phú đã chủ động trong công tác ứng phó, không để bị động bất ngờ, không có thiệt hại về người và tài sản nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu, Ủy ban nhân dân huyện Châu Phú chủ động phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong ứng phó với nguy cơ sạt lở; triển khai ngay việc di dời dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn, bảo vệ tối đa tính mạng, tài sản của người dân, đảm bảo các điều kiện về sinh hoạt cho người dân trong thời gian di dời về nơi ở mới.

Theo bà Võ Thị Ánh Xuân, tuyến Quốc lộ 91 cũ là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh An Giang nối thành phố Long Xuyên-huyện Phú Tân với Thị xã Tân Châu và ngược lại. Việc sạt lở ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, do đó, huyện Châu Phú khẩn trương phối hợp với Sở Giao thông vận tải sớm triển khai làm các tuyến đường thay thế để kết nối giao thông từ bến phà Thanh Bình và bến phà Năng Gù ra tuyến tránh Quốc lộ 91 mới một cách sớm nhất, đảm bảo giao thông thông suốt.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Phú thực hiện di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở và bố trí chỗ ở tạm cho 29 hộ dân trong khu vực nguy hiểm; đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang để huy động các nguồn lực trong xã hội, các tổ chức xây nhà từ thiện trong tỉnh cùng chung tay xây dựng nhà mới cho các hộ dân phải di dời do sạt lở.

“Về lâu dài, địa phương cần chủ động các phương án bố trí chỗ ở mới đối với 600 hộ dân có nhà nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm dọc theo tuyến Quốc lộ 91 xã Bình Mỹ; địa phương cần có kế hoạch cụ thể theo từng nhóm, từ nguy cơ cao đến thấp để bố trí quỹ đất cũng như nguồn kinh phí thực hiện,” Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân lưu ý.

Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân vùng sạt lở Quốc lộ 91 - Ảnh 2
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân (thứ 2 phải qua) cùng đoàn công tác của tỉnh khảo sát tại điểm sạt lở trên Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Trước đó, khoảng 5 giờ 30 phút sáng 27/5, tuyến Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang liên tục xảy ra sạt lở lớn; 1/3 mặt đường nhựa Quốc lộ 91 cũ với chiều hơn 40 m bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, sạt lở đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 27 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu gây ra hiện tượng rạn nứt.

Ông Trần Thanh Nhã, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Phú cho biết, sau khi xảy ra sạt lở, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Phú đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ di dời 27 nhà dân có nguy cơ bị ảnh hưởng, đến nơi an toàn; đồng thời phối hợp các ngành chức năng tỉnh tiến hành lắp đặt biển báo tạm và phân luồng giao thông (cả đường thủy và đường bộ) nhằm giảm tác động đến đoạn đường bị sạt lở, tổ chức trực tuần tra, kịp thời xử lý nếu phát sinh sự cố mới.

Theo ông Trần Thanh Nhã, đến chiều 27/5, huyện Châu Phú đã tổ chức kiểm đếm trong phạm vi hành lang an toàn 40 m (tính từ điểm sạt lở) có 54 hộ dân, trong đó có 2 hộ dân và 2 lều quán phải di dời khẩn cấp; những hộ còn lại, huyện đang tính toán phương án di dời trong thời gian tới.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong chiều 27/5, Ủy ban nhân dân huyện Châu Phú đã phối hợp với các đơn vị thi công tháo dỡ đường dây điện, cũng như di dời các hộ dân trong vùng cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn; phối hợp Sở Giao thông vận tải tiến hành thông tuyến đường dân sinh nối từ bến phà Thanh Bình và phà Năng Gù ra tuyến tránh Quốc hộ 91 mới; gắn biển báo cấm các phương tiện ô tô di chuyển qua bến phà Thanh Bình (nối huyện Châu Phú và huyện Phú Tân) để đảm bảo an toàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi hộ dân phải di dời do ảnh hưởng của sạt lở trên địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, giúp bà con xây dựng lại nhà cửa ở nơi tái định cư, sớm ổn định cuộc sống.

Công Mạo

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân vùng sạt lở Quốc lộ 91. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới