Thứ sáu, 29/03/2024 14:49 (GMT+7)
Thứ năm, 20/01/2022 16:00 (GMT+7)

Đảm bảo an sinh cho người dân thoát nghèo bền vững đón xuân Nhâm Dần

Theo dõi KTMT trên

Ngân sách nhà nước, địa phương và các nguồn khác sẽ dành 75.000 tỷ đồng để giảm một nửa số hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên cả nước. Các gói cứu trợ gạo từ Chính phủ nhằm giúp người dân chống đói , vui Tết Nhâm Dần.

75.000 tỷ đồng để giảm nghèo

Từ nay tới năm 2025, ngân sách nhà nước, địa phương và các nguồn khác sẽ dành 75.000 tỷ đồng để giảm một nửa số hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên cả nước.

Thủ tướng vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 về giảm nghèo bền vững, đa chiều, trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Chương trình sẽ đi sâu vào giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống... Chính phủ kỳ vọng đến năm 2025 giảm một nửa số hộ nghèo, cận nghèo so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì 1-1,5%; 30% huyện, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo...

Đảm bảo an sinh cho người dân thoát nghèo bền vững đón xuân Nhâm Dần - Ảnh 1
Chính phủ kỳ vọng đến năm 2025 giảm một nửa số hộ nghèo. (Ảnh minh họa)

Ngân sách Trung ương sẽ trích 48.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12.700 tỷ và 14.300 tỷ đồng còn lại huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Tổng cộng ít nhất 75.000 tỷ đồng cho chương trình.

Hiện nay, một số địa bàn vẫn là vùng "lõi nghèo" khi tỷ lệ hộ nghèo trên dưới 50% như huyện Mường Nhé, Nậm Pồ (Điện Biên); huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), huyện Đồng Văn (Hà Giang). Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 61,28% tổng số hộ nghèo cả nước đến cuối năm 2020.

Cả nước còn 81 huyện nghèo và 167 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Phần lớn hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, sinh kế không bền vững, khó tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường lao động, việc làm.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới, ước tính vào tháng 1/2022, cả nước có 16,6% hộ dân có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng 4,473 triệu hộ, 17,447 triệu người. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83%, hộ cận nghèo là 5,77%.

Hơn 11.448 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nhâm Dần

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xuất hơn 11.448 tấn gạo cứu đói cho hơn 658.000 người dịp Tết Nhâm Dần và mùa giáp hạt đầu năm 2022.

Đề xuất của ngành Lao động được đưa ra trên cơ sở xin hỗ trợ gạo từ các địa phương dịp cuối năm. Cụ thể, hơn 6.900 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nhâm Dần phân bổ cho hon 460.000 nhân khẩu tại 7 tỉnh: Cao Bằng 624 tấn; Nghệ An 1.140 tấn; Quảng Bình 1.102 tấn; Gia Lai 692 tấn; Ninh Thuận 1.508 tấn; Phú Yên 1.008 tấn; Tây Ninh 825 tấn.

Đảm bảo an sinh cho người dân thoát nghèo bền vững đón xuân Nhâm Dần - Ảnh 2
Hơn 11.448 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nhâm Dần. (Ảnh minh họa)

Bộ đề xuất Chính phủ cấp thêm gần 3.000 tấn (chiếm 65% tổng số gạo các tỉnh đề nghị) cứu đói mùa giáp hạt đầu năm cho hơn 198.000 nhân khẩu tại ba tỉnh: Cao Bằng hơn 1.093 tấn; Quảng Ninh 1.184 tấn và Gia Lai gần 698 tấn.

Theo lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc hỗ trợ cần kịp do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư và thời tiết bất thường khiến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo có nguy cơ bị thiếu đói. Riêng ba tỉnh xin cấp gạo cho mùa giáp hạt trong 3 tháng, nếu hỗ trợ xong một tháng mà vẫn thiếu, thì báo cáo về để Trung ương tiếp tục cấp phát.

Hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho các nước.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, vì một Việt Nam không có đói nghèo. Người nghèo sẽ được tiếp tục hỗ trợ vươn lên, trong đó ưu tiên trẻ em, người dân tộc thiểu số, người bảo trợ xã hội... Nguồn lực được huy động cho các chương trình giảm nghèo được ưu tiên từ ngân sách, xã hội hó, tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin ở các vùng nông thôn, miền núi để giúp người dân nâng cao tri thức, tiếp cận các dịch vụ mới.  
"Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ, mà phải bằng trái tim. Để thực hiện trách nhiệm với người nghèo, tôi đề nghị cả nước triển khai phong trào mới, trong đó mỗi xã, phường, thị trấn, thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu, với cách làm sáng tạo hơn nữa", Thủ tướng nói.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo an sinh cho người dân thoát nghèo bền vững đón xuân Nhâm Dần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.