Đại dịch châu chấu tàn khốc chưa có hồi kết
Hàng tỉ con châu chấu tiếp tục làm bay hơi những hecta hoa màu của người dân tại Kenya và Ethiopia, khiến cuộc sống của hàng chục triệu người ở khu vực Đông Phi bị ảnh hưởng.
Theo AP, trong bối cảnh đại dịch châu chấu lớn nhất trong vòng 70 năm qua tại Kenya vẫn chưa đi đến hồi kết, và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (UN FAO) đang phải tìm mọi cách để hạn chế tác hại của loài côn trùng này.
Ông Boris Polo là người đang làm một công việc như vậy, sở hữu một công ty cho thuê máy bay trực thăng, ông Polo nhận hợp đồng của FAO, sử dụng những chiếc máy bay để đánh dấu vị trí nào có mật độ châu chấu lớn để phun thuốc trừ sâu. Đáng buồn vì cho tới lúc này đó là cách duy nhất hiệu nghiệm.
"Nghe thật u ám vì không có cách nào để diệt trừ hết toàn bộ châu chấu, vì diện tích mà chúng bao phủ là quá lớn. Nhưng mục tiêu của dự án là để giảm thiểu thiệt hại, và rõ ràng là nó đang có hiệu quả", ông Polo chia sẻ.
Trong nhiều tháng qua, một khu vực rộng lớn ở phía đông châu Phi đã bị vướng vào một vòng huỷ diệt không lối thoát, với hàng triệu con châu chấu tàn phá mùa màng, sau đó sinh sản thành hàng tỉ con và thậm chí chúng còn tiêu thụ cả những loại thực vật vốn chỉ dành cho gia súc.
"Nguy cơ ảnh hưởng đến cây trồng và các vùng đồng cỏ là rất lớn", Trung tâm Ứng dụng & Dự báo khí hậu của IGAD ở khu vực cho biết trong một thông báo được đưa ra hồi tuần trước.
Châu chấu bu kín đặc cành cây ở Kenya. (Ảnh: AP) |
Hiện tại những con châu chấu non với màu vàng óng đang phủ một lớp dày đặc lên các loại thực vật ở khu vực. Trong vòng hơn một tuần qua, ông Polo cho biết chúng đang dần trở thành những con châu chấu với kích thước lớn hơn, đủ lông đủ cánh để di chuyển những quãng đường dài. Một đàn châu chấu lớn có thể gồm hàng trăm triệu con, bay dày đặc và làm tối cả một vùng trời thành phố.
Khi biết bay, những con châu chấu sẽ khó bị kiểm soát, vì chúng có thể di chuyển quãng đường lên tới 200 km mỗi ngày.
"Chúng đi theo những cơn gió phía trước. Vì vậy chúng sẽ đi vào Sudan, Ethiopia và cuối cùng sẽ đến Somalia", ông Polo nhận định. Sau khi gió đổi hướng, phần còn lại của đàn châu chấu sẽ trở lại Kenya.
"Đến tháng 2, tháng 3 năm tới chúng sẽ lại đẻ trứng ở Kenya một lần nữa", ông Polo cho biết. Nếu châu chấu có đủ thức ăn, thế hệ sau sẽ lớn gấp 20 lần thế hệ trước.
Vấn đề vào lúc này là chỉ có Kenya và Ethiopia đang dùng thuốc trừ sâu để kiểm soát số lượng đàn châu chấu.
"Ở những nơi như Sudan, Nam Sudan và đặc biệt là Somalia, không có cách nào để kiểm soát đàn châu chấu vì những vấn đề nội tại của các quốc gia này", ông Polo nói.
"Khả năng tài chính hạn chế của một số quốc gia bị ảnh hưởng và lệnh phong toả do dại dịch Covid-19 đã khiến nỗ lực kiểm soát đàn châu chấu bị cản trở. Ngoài ra, xung đột vũ trang ở Somalia khiến chúng ta không thể tiếp cận các khu vực châu chấu sinh sản", ông Abubakr Salih Babiker, chuyên gia của IGAD, nhận định.
Vì biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn có thể làm tăng khả năng xảy ra sự bùng phát đại dịch châu chấu, nhóm nghiên cứu của IGAD kêu gọi thành lập một hệ thống cảnh báo sớm cho khu vực về châu chấu, cũng như sự giúp đỡ của các quốc gia phát triển.
Ngân hàng Thế giới đầu năm nay đã công bố một chương trình trị giá 500 triệu USD cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch châu chấu, trong khi FAO cũng thành lập quỹ hỗ trợ 300 triệu USD cho những nước này.
Sơn Trần