Thứ bảy, 23/11/2024 03:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/05/2020 07:01 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến nạn châu chấu phá hoại mùa màng thêm tồi tệ

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu được cho là tác nhân làm trầm trọng thêm nạn châu chấu sa mạc trong năm 2020, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Biến đổi khí hậu khiến nạn châu chấu phá hoại mùa màng thêm tồi tệ - Ảnh 1
Châu chấu sa mạc đang hoành hành tại Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Ấn Độ đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng do những đàn châu chấu khổng lồ phá hoại mùa màng.

Hiện những "cơn bão châu chấu" đang càn quét nhiều bang ở phía Tây và Bắc Ấn Độ. Tổ chức Cảnh báo châu chấu (LWO) cho biết trong những ngày tới, châu chấu sa mạc dự kiến sẽ tràn vào hai bang Madhya Pradesh và Rajasthan, nhưng sẽ không đi qua thủ đô New Delhi.

Theo thống kê, tổng cộng đã có 5 bang của Ấn Độ phải đương đầu với dịch châu chấu sa mạc với tổng diện tích đất nông nghiệp chịu thiệt hại lên tới 50.000 hecta.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đẩy Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ năm 1993. Trong khi đó, nước này vẫn đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Hiện các đội chống dịch của LWO đang cho phun hai loại thuốc trừ sâu nhằm ngăn chặn dịch bùng phát mạnh hơn.

Theo các phân tích khoa học của LWO, điều kiện thuận lợi để châu chấu sa mạc bùng phát thành dịch là trên cát ẩm và đất pha cát. Ngoài ra, các cây màu đang vào giai đoạn phát triển cũng giúp châu chấu sa mạc sinh sôi nhanh hơn. Các chuyên gia còn cho biết, mưa trái vụ xuất hiện nhiều vào mùa xuân năm nay ở miền Bắc Ấn Độ đã khiến cho dịch châu chấu sa mạc đến sớm hơn từ 1- 2 tháng.

Biến đổi khí hậu khiến nạn châu chấu phá hoại mùa màng thêm tồi tệ - Ảnh 2
Châu chấu tràn ngập ở thành phố Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan, Ấn Độ. (Ảnh: PTI)

Theo thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), dịch châu chấu sa mạc bắt nguồn từ tháng 5, 6/2019 tại Yemen, Ả Rập Xê Út, tây nam Iran. Từ đó đến nay, dịch lan sang hầu hết các nước châu Phi và một số nước thuộc khu vực Nam Á.

Biến đổi khí hậu được cho là tác nhân làm trầm trọng thêm nạn châu chấu sa mạc trong năm 2020. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), các nước tại châu Phi, Trung Đông và Nam Á đang chịu ảnh hưởng của nạn châu chấu đều có mưa nhiều trong giai đoạn cuối năm 2019.

Đặc biệt tại khu vực Sừng châu Phi, đại dịch châu chấu đang diễn biến tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Một con châu chấu có thể ăn một lượng cây cỏ bằng trọng lượng cơ thể, tức là từ 5- 10 grams. Trong khi đó, đặc tính của châu chấu sa mạc là chúng tập hợp thành đàn lớn tới hàng triệu con, di chuyển với tốc độ nhanh, tàn phá cây cối, mùa màng chỉ trong vài ngày.

Các chuyên gia ước tính, một đàn châu chấu có thể tiêu thụ lượng thực phẩm tương đương khẩu phần của 35.000 người trong một ngày. FAO cảnh báo nạn châu chấu có thể đẩy hơn 25 triệu người tại khu vực Đông Phi vào nạn đói khẩn cấp trong nửa cuối năm 2020.

Biến đổi khí hậu khiến nạn châu chấu phá hoại mùa màng thêm tồi tệ - Ảnh 3
Biến đổi khí hậu khiến nạn châu chấu phá hoại mùa màng thêm tồi tệ. (Ảnh: thenews.com.pk)

Tại việt Nam, ngày 13/3 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình dịch châu chấu sa mạc đang bùng phát tại một số quốc gia Trung Đông, châu Phi, Nam Á và đề xuất kế hoạch ứng phó của Việt Nam.

Theo đó, mặc dù các chuyên gia Trung Quốc cho biết khả năng châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại tới Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận là rất thấp. Nguyên nhân vì dịch châu chấu tại Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với Trung Quốc đã được dập.

Bên cạnh đó, trên đường xâm nhập thì đàn châu chấu này sẽ gặp rào cản tự nhiên là dãy núi Hymalaya có độ cao và nhiệt độ không khí lạnh. Đồng thời, điều kiện khí hậu thời tiết tại Trung Quốc và Việt Nam cũng không thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của loài này.

Tuy nhiên trước sự bùng phát và lây lan nhanh tại châu Phi như hiện nay, nhất là sự biến đổi khó lường của khí hậu những năm gần đây, Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại của các loài dịch hại di cư như châu chấu tre lưng vàng, sâu keo mùa thu nên Bộ NN&PTNT cho rằng vẫn cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh chủ động giám sát từ xa, cảnh báo sớm. Trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự để phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển.

Lên kế hoạch tổ chức chống dịch cụ thể khi đàn châu chấu mới xâm nhập và trường hợp châu chấu xâm nhập, đẻ trứng. Trong trường hợp dịch trên diện rộng, Thủ tướng sẽ chỉ đạo chống dịch.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến nạn châu chấu phá hoại mùa màng thêm tồi tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới