Thứ sáu, 03/05/2024 17:09 (GMT+7)
Thứ năm, 02/11/2023 10:10 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội: Điều chỉnh kinh phí bảo vệ rừng để chống phá rừng

Theo dõi KTMT trên

Tại kỳ họp thứ 6, sáng ngày 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay còn nhiều bất cập từ các chính sách và thực tiễn. Trong khi tỷ lệ phá rừng tăng thì kinh phí hỗ trợ vẫn còn quá thấp.

Theo đó, Quốc hội tiếp tục bàn luận về: (1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; (2) Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (3) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (5) Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Những con số “biết nói” 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt bày tỏ quan tâm đến vấn đề quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Theo bà, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, những vấn đề bất cập từ các chính sách, thực tiễn ở địa phương đặt ra cần Chính phủ lắng nghe, quan tâm và giải quyết kịp thời.

Cụ thể trong những năm qua, Đề án “bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng tây nguyên giai đoạn 2016-2030” được Chính phủ chỉ đạo, triển khai với nhiều mục tiêu, giải pháp quan trọng. Trong đó việc tiếp tục thực hiện chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, doanh nghiệp được xem là giải pháp mang tính đột phá. 

Đại biểu Quốc hội: Điều chỉnh kinh phí bảo vệ rừng để chống phá rừng - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chất lượng môi trường đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi cùng với việc giữ rừng chưa thật hiệu quả nên diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Trong 9 tháng năm 2023, cả nước có 1.594 ha rừng bị thiệt hại, tăng 79,5% so với cùng kỳ, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 922,2 ha, tăng 6,8%. Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đặc biệt, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các chính sách, quy định pháp luật hiện nay.

Về chính sách Nhà nước đặt hàng quản lý bảo vệ rừng, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp có nêu: “… đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo có khả năng phục hồi trong thời gian chưa khai thác thì thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ công ích theo phương thức Nhà nước đặt hàng”.

Tuy nhiên hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế này nên các đơn vị chủ rừng, đặc biệt là các doanh nghiệp, các công ty lâm nghiệp đã nhận hàng chục ngàn hecta rừng khộp là rừng sản xuất, sử dụng vào mục đích kinh tế đang rất khó khăn. 

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặt hàng bảo vệ rừng tự nhiên nghèo cho đối tượng được giao quản lý rừng nghèo khác ngoài Nhà nước; chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuê rừng đối với các công ty lâm nghiệp hiện đang thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên được nhà nước giao.

Điều chỉnh kinh phí bảo vệ rừng

Về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng

Đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ dưới 50 ha, đất rừng sản xuất dưới 1000 ha với các dự án, công trình phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Đại biểu Quốc hội: Điều chỉnh kinh phí bảo vệ rừng để chống phá rừng - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Đối với Về Chính sách bảo vệ rừng, hiện Chính phủ quy định mức hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng là 300.000 đồng/ha/năm hoặc 400.000 đồng/ha/năm (đối với khu vực II và III). Mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 30 triệu đồng/ha. 

Mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất chỉ từ 5 triệu đồng/ha đến 8 triệu đồng/ha (các tỉnh vùng Tây Nguyên được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha) là quá thấp so với yêu cầu công tác bảo vệ rừng vốn dĩ hết sức nặng nề, phức tạp và nguy hiểm. 

Nếu tính đúng, đủ theo định mức quản lý bảo vệ rừng tại Quyết định số 38 của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì kinh phí bảo vệ rừng tương đương gần 1,3 triệu đồng/ha/năm. 

Kỳ vọng Chính phủ sẽ điều chỉnh kịp thời chính sách này theo hướng tăng mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế hoặc giao cho chính quyền địa phương tự xem xét, quyết định mức hỗ trợ trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách đảm bảo yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội: Điều chỉnh kinh phí bảo vệ rừng để chống phá rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới