Đa dạng sinh học là gì?
Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.
Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật. (Ảnh minh họa) |
Đa dạng sinh học được xem xét theo 3 mức độ:
Đa dạng sinh học ở cấp loài bao gồm toàn bộ các sinh vật sống trên trái đất, từ vi khuẩn đến các loài thực, động vật và các loài nấm.
Ở cấp quần thể, đa dạng sinh học bao gồm sự khác biệt về gen giữa các loài, khác biệt về gen giữa các quần thể sống cách ly nhau về địa lý cũng như khác biệt giữa các cá thể cùng chung sống trong một quần thể.
Đa dạng sinh học còn bao gồm cả sự khác biệt giữa các quần xã mà các loài sinh sống và các hệ sinh thái, nơi mà các loài cũng như các quần xã sinh vật tồn tại và cả sự khác biệt của các mối tương tác giữa chúng với nhau.
Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật.
Theo báo cáo số liệu thống kê về đa dạng sinh học cho thấy, tại Việt Nam đã phát hiện được gần 12.000 loài thực vật, trong đó khoảng 2.300 loài được sử dụng làm lương thực, khoảng 3.300 loài được sử dụng làm dược liệu, thức ăn gia súc, lấy gỗ, lấy dầu và nhiều sản phẩm quý khác. Về hệ động vật, Việt Nam có khoảng 310 loài thú; 840 loài chim; 296 loài bò sát; 162 loài ếch nhái; 2.472 loài cá (trong đó có 472 loài cá nước ngọt) và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở nước và trong đất…
Có thể nói, đa dạng sinh học đã mang lại lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp vai trò to lớn cho nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại và do hệ thống các chính sách, quy định pháp luật, chính sách, thể chế và tổ chức bộ máy quản lý về đa dạng sinh học còn chưa được đồng bộ, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ.
Nhật Quang