Cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau nửa thế kỷ của ông Đa và ông Ái, những anh bộ đội cụ Hồ năm xưa
Sau 50 năm, ông Đa và ông Ái hai người lính năm xưa đã có cuộc hội ngộ đầy nước mắt tại gia đình ông Đa ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày ấy theo tiếng gọi của Tổ quốc, cũng như bao người lính khác, ông Nguyễn Bỉnh Đa và ông Tạ Ngọc Ái vào chiến trường tham gia cuộc chiến đánh giặc Mỹ và cùng bị thương trong một trận đánh khốc liệt vào cuối năm 1974. Sau đó lần lượt 2 người không đủ sức khỏe để chiến đấu nên được đưa ra Bắc điều trị và an dưỡng tại Bắc Ninh. Cũng từ đó 2 người mất hoàn toàn liên lạc với nhau.
Thời điểm đó các doanh trại không có chỗ ở, lại không có nhiều doanh trại vì toàn quân tập trung cho Giải phóng miền Nam nên các chiến sĩ được gửi gắm đến nhà dân. Lúc đó Nhà nước ta kêu gọi tinh thần của nhân dân: đó là xung phong, tình nguyện đón nhận những chiến sĩ trở về thì nuôi họ ăn và ở trong khoảng 3 đến 6 tháng. Và đồng thời cũng là quân dự phòng khi khoẻ mạnh trở lại sẽ tiếp tục lên đường chiến đấu nếu miền Nam cần thiết.
Có một nhà dân ở Khả Lễ, Võ Cường, Hà Bắc nay là Bắc Ninh đã nhận hai anh lính chiến ấy là ông Đa và ông Ái. Cái duyên thế nào hai người lại được gặp nhau tại một gia đình. Một lính chiến thì đã có vợ nhưng vẫn chưa được về thăm quê là ông Nguyễn Bỉnh Đa, Anh lính còn lại là ông Tạ Ngọc Ái (Bố đẻ của anh Tạ Huy Cường, sn 1978 tại Hà Nội, hiện đang là một đạo diễn)
Anh Cường kể lại: Sau những tháng ngày ăn ở, sinh hoạt và cùng làm nông nghiệp với gia đình này, nhà có tám chị em gái và sáu cô đã lấy chồng, còn hai cô út chưa chồng. Và bố tôi là ông Ái đã mạnh dạn tán cô con gái áp út của chủ nhà, sau đó nên duyên vợ chồng. Đó là mẹ tôi (Diêm Thị Ninh).
Ngày bố mẹ tôi cưới cũng là thời điểm cuối cùng mà bố tôi và bác lính kia gặp nhau. Rồi sau đó họ lại mất liên lạc.
Sau đó, tôi cũng được nghe bố mẹ kể về việc này những năm còn ở quê, nhưng tôi cũng chỉ biết nghe và để đó. Sau 48 năm, vừa rồi bác Đa và anh con trai có đi tìm về quê bố tôi ở Châu Minh, Hiệp Hoà, Bắc Giang, và có gặp người họ hàng. Họ đã cho số điện thoại của bố tôi cho bác ấy. Nhưng chưa gặp được nhau, vì nhà tôi ở cách quê của bố tôi khoảng gần 20km, hôm đó bố tôi có việc bận đi đâu đó nên cũng không có ở nhà. Và cũng có hẹn bác Đa rằng sẽ đến nhà bác ấy chơi tại Tiên Du, Bắc Ninh.
Hôm tôi đưa bố đến gặp bác ấy mà thật sự xúc động khi chứng kiến hai người lính cụ Hồ, hai thương binh nặng gặp nhau, họ ôm chầm lấy nhau và khóc như những đứa trẻ. Tất cả những khoảnh khắc đó tôi đều ghi lại được và hy vọng tới đây tôi sẽ dựng lại thành một MV. Và cuộc hội ngộ quá tuyệt vời khi cả gia đình bác Đa đều đón tiếp gia đình tôi thật đầm ấm. Các con bác ấy chứng kiến được khoảnh khắc này cũng khóc như mưa luôn.
Anh Cường cũng chia sẻ thêm: Cái đặc biệt ở chỗ là vì sao bác ấy biết mà tìm về quê bố tôi ở Bắc Giang. Là vì bác Đa còn giữ cuốn sổ tay trong chiến tranh, các anh lính đã viết tên và địa chỉ quê quán của mình vào cuốn sổ đó. Bác ấy đã giữ cuốn sổ suốt 50 năm qua. Đây cũng là một vật có giá trị lịch sử, nó giống như cuốn lưu bút mà lính Mỹ vừa rồi đã sang VN để trả lại cho chàng lính Việt hi sinh năm 1975. Năm nay bố tôi 75tuổi còn Bác Đa đã 80 tuổi rồi.
Cuốn sổ mà bác Đa giữ có khoảng hơn 10 chiến sĩ viết tên và địa chỉ của họ ở đó. Cầm cuốn sổ ấy trên tay mà tôi thật sự nghẹn ngào và xúc động bởi những dòng chữ viết vội đã bị nhoè đi theo năm tháng. Tôi cảm thấy quá tự hào về những anh Bộ đội cụ Hồ như Bố tôi và Bác Đa. Tôi và con trai bác Đa quyết định lên kế hoạch đi tìm những người còn lại có tên trong cuốn sổ ấy, nếu không may họ đã mất thì chúng tôi sẽ thắp hương và tưởng nhớ họ, nếu họ còn sống thì chúng tôi sẽ giúp các ông gặp được nhau.
Hoài Thu