Thứ sáu, 29/03/2024 01:40 (GMT+7)
Thứ năm, 22/09/2022 11:55 (GMT+7)

Cuộc đua xe điện toàn cầu và cam kết của nhiều quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Chính sách hỗ trợ của các chính phủ là động lực mạnh mẽ giúp ngành sản xuất xe điện tăng trưởng. Theo đó, ngày càng nhiều quốc gia cam kết loại bỏ dần các động cơ đốt trong hoặc có các mục tiêu “điện hóa” phương tiện trong những thập niên tới.

Xu hướng xanh hóa môi trường

Yêu cầu giảm phát thải khí và xanh hóa các loại phương tiện đang được đẩy mạnh trên hầu hết các thị trường ô tô lớn trên thế giới. Điều này đang khiến toàn ngành dịch chuyển theo một hướng, đó là đầu tư phát triển các loại xe điện để đáp ứng nhu cầu của toàn cầu.

Trong báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu 2022 (Global EV Outlook 2022), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá, rất ít lĩnh vực năng lượng sạch trên thế giới năng động như thị trường ô tô điện. Năm 2012, chỉ có 120.000 xe điện được bán ra trên toàn thế giới.

Năm 2021, số lượng xe điện bán ra mỗi tuần nhiều hơn tổng số xe bán trong cả năm 2012. Gần 10% doanh số bán ô tô trên toàn cầu năm 2021 là xe điện, tăng gấp bốn lần thị phần của năm 2019. Điều này nâng tổng số ô-tô điện trên các tuyến đường thế giới lên khoảng 16,5 triệu xe, gấp ba lần so số lượng năm 2018. Doanh số bán ô tô điện toàn cầu tiếp tục đà tăng mạnh vào năm 2022, với hai triệu chiếc bán ra trong quý đầu tiên của năm, tăng 75% so cùng kỳ năm 2021.

Thực tế, chính sách hỗ trợ của các chính phủ chính là động lực mạnh mẽ giúp ngành sản xuất xe điện tăng trưởng. Ngày càng nhiều quốc gia cam kết loại bỏ dần các động cơ đốt trong hoặc có các mục tiêu “điện hóa” phương tiện đầy tham vọng trong những thập niên tới. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô cũng lên kế hoạch điện khí hóa các đơn vị sản xuất, nỗ lực vượt xa hơn các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, số lượng mẫu xe điện mới ra mắt vào năm 2021 nhiều gấp năm lần so năm 2015, làm tăng sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Số lượng mẫu xe điện hiện có trên thị trường là khoảng 450 loại.

Cuộc đua xe điện toàn cầu và cam kết của nhiều quốc gia - Ảnh 1
Các chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện tạo ra động lực mạnh mẽ giúp ngành này tăng trưởng vượt bậc.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các mục tiêu đầy tham vọng về chuyển đổi năng lượng, xu hướng xanh hóa môi trường, mà cụ thể là chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện tạo ra động lực mạnh mẽ giúp ngành này tăng trưởng vượt bậc.

Cùng với đó, hàng loạt nhà sản xuất đã và đang thành công với ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch cũng bắt buộc phải chuyển sang đầu tư cho các mẫu xe mới chạy điện hoàn toàn. Tuy nhiên, hệ thống vận hành của các hãng này vốn quá lớn nên tốn nhiều thời gian và tiền bạc cho quá trình này.

Vào đầu năm nay, Ford đã công bố đầu tư lên tới 50 tỷ USD đến năm 2026 cho công cuộc phát triển xe điện, đồng thời, hãng cũng tách biệt riêng mảng kinh doanh dòng xe xanh này với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. CEO Jim Farley của hãng xe Mỹ đặt mục tiêu sản xuất hơn 2 triệu xe điện vào cuối kỳ của kế hoạch trên, bằng 1/3 sản lượng xe toàn cầu của Ford.

Cuối năm ngoái, Toyota cũng công bố khoản đầu tư tới 70 tỷ USD dành cho phát triển các dòng xe thuần điện cho tới năm 2030, dù đi trước về xe Hybrid Trước đây nhưng hiện hãng xe Nhật vẫn đang chậm trong quá trình chuyển đổi mới.

Cùng với Lexus, Toyota đã công bố 15 mẫu xe điện dự kiến sẽ ra mắt trong những năm tới, tất cả đều sử dụng nền tảng e-TNGA của hãng. Trong đó, những mẫu xe được hiện thực hóa thuộc dòng bZ của Toyota đã được bán ra thị trường.

Honda cũng mới công bố kế hoạch phát triển ô tô điện với 30 mẫu xe mới,dự kiến đến năm 2030 hãng sẽ xuất xưởng được khoảng 2 triệu xe điện, chiếm một nửa sản lượng. Cùng với đó, Honda cũng hợp tác với Sony nhằm tận dụng lợi thế để cạnh tranh trong ngành; Honda cũng lập liên minh với General Motors (GM) để phát triển pin điện từ vài năm trước.

Nhiều quốc gia cam kết chuyển đổi xanh

Mới đây nhất, Malaysia đặt mục tiêu tới năm 2040 thị phần xe điện là 38%. Đây là một phần của Chính sách Năng lượng Quốc gia 2022-2040. Năm 2021, 274 ô tô điện đã được bán ở Malaysia, trong khi tổng sản lượng toàn ngành là 508.911 chiếc. Việc tiêu thụ xe du lịch chạy điện sẽ tăng lên với các ưu đãi miễn thuế thuộc ngân sách năm 2022, ông Datuk Aishah Ahmad, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Malaysia (MAA) cho biết vào tháng 1/2022.

Vừa qua, đại diện MAA lại tiếp tục cho biết các hãng xe muốn kéo dài thời gian giảm thuế đối với xe điện lên 10 năm trong ngân sách năm 2023 sắp tới. Chủ tịch MAA tuyên bố rằng các ưu đãi kết thúc vào năm 2023 là quá sớm.

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đạt số lượng xe điện xuất xưởng nội địa khoảng 700.000 chiếc vào năm 2030, chiếm 30% tổng sản lượng xe hơi. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á gần đây ban hành nhiều chính sách khuyến khích xe điện, như giảm thuế, tăng trợ cấp cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất. Nhận được sự khuyến khích từ chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn đang tích cực theo đuổi việc lắp ráp xe điện, sản xuất pin và xây dựng các trạm sạc.

Tại Ấn Độ, sự tăng trưởng của thị trường xe điện được ví là "cuộc cách mạng thầm lặng”. Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường xe điện vài năm trở lại đây, Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm của các phương tiện không gây tiếng ồn. Chính phủ Ấn Độ đưa ra nhiều ưu đãi để đẩy mạnh nhu cầu mua xe điện. Từ phía người dân, ngày càng nhiều người tiêu dùng chấp nhận xe điện như phương tiện giao thông chính.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu có ít nhất hai triệu ô tô điện hoạt động trên đường phố nước này vào năm 2025 và tiếp tục hướng đến thị trường xuất khẩu. Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định, quốc gia Đông Nam Á này có thể trở thành nhà sản xuất ô-tô điện hàng đầu. Nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành sản xuất ô-tô điện, Tổng thống Joko Widodo bày tỏ hy vọng các nhà máy sản xuất pin điện với công suất lớn sẽ sớm được hoàn tất và đi vào hoạt động tại Indonesia.

Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về doanh số bán xe điện. Trong quý I/2022, doanh số bán hàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm 2021 và chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu. Số lượng xe điện bán ra ở Trung Quốc năm 2021 là khoảng 3,3 triệu xe, nhiều hơn so số xe điện bán ra trên toàn thế giới năm 2020.

Doanh số bán xe điện ở châu Âu cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 65%, lên 2,3 triệu xe, sau sự bùng nổ năm 2020. Thị trường xe điện tại Mỹ tăng tới 630.000 xe, sau hai năm suy giảm. Quý đầu tiên của năm 2022 cũng cho thấy xu hướng tương tự, với doanh số bán hàng ở Trung Quốc tăng hơn gấp đôi so quý đầu tiên của năm 2021 và chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu, mức tăng trưởng ở thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt là 60% và 25%.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cuộc đua xe điện toàn cầu và cam kết của nhiều quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.