Cuộc chiến rác thải nhựa khiến các 'ông lớn' ngành Hoá dầu gặp rủi ro
Dữ liệu ngành Dầu mỏ dự đoán rằng nhựa là động lực lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu trong những năm tới. Tuy nhiên, viễn cảnh này sẽ không trở thành hiện thực khi thế giới đang bắt tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa và chính phủ các nước bắt đầu hành động để đạt được các mục tiêu khí hậu.
Hy vọng của ngành năng lượng vào viễn cảnh tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt trong những thập kỷ tới nhờ sự bùng nổ của ngành Hóa dầu đang tiêu tan, khi mà thị trường nhựa vốn đã bão hòa nay lại gánh thêm cú sốc nhu cầu sụt giảm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Giá hạt nhựa vốn liên tục giảm trong 2 năm qua lại tiếp tục giảm sâu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, làm gia tăng nguy cơ với các dự án đầu tư trị giá hàng trăm tỉ USD vào ngành Hóa dầu.
Chỉ riêng chất thải nhựa hiện tại cũng sẽ gây ô nhiễm hành tinh trong nhiều thập kỷ. (Nguồn: AFP) |
Các công ty dầu mỏ lớn như Saudi Aramco và Royal Dutch Shell có kế hoạch chi khoảng 400 tỉ đô la (300 tỉ bảng Anh) để giúp tăng lượng cung ứng nhựa nguyên sinh thêm 25% trong vòng 5 năm tới nhằm bù đắp cho tác động từ xe điện và công nghệ năng lượng sạch ảnh hưởng tới nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch.
Đầu mùa hè năm nay, EU đề xuất khoản thuế 800 Euro mỗi tấn rác nhựa chưa tái chế, chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc cấm nhựa sử dụng một lần không phân hủy sinh học ở các thành phố lớn vào cuối năm nay và tại mọi thành thị vào năm 2022.
Hãng BP cũng đồng ý bán mảng hóa dầu với giá 5 tỉ đô la cho tập đoàn Ineos thuộc sở hữu của tỉ phú Sir Jim Ratcliffe sau khi cảnh báo rằng lệnh cấm nhựa sử dụng một lần sẽ tác động lớn đến ngành dầu mỏ trong những thập kỷ tới.
Trung Quốc cũng đã có bước đi quyết liệt đầu tiên vào năm 2018 khi cho đóng cửa phần lớn ngành nhập khẩu và xử lý chất thải nhựa quy mô lớn nhất thế giới, buộc các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải giải quyết rác thải trong nước.
Các kịch bản dự báo chính của công ty dầu khí đa quốc gia hàng đầu thế giới BP và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều cho rằng nhu cầu nhựa sẽ là động lực mạnh nhất thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ gia tăng, lần lượt chiếm 95% và 45% mức tăng trưởng từ nay đến năm 2040. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ vấp phải thách thức ở lĩnh vực quan trọng nhất là ngành vận tải.
Báo cáo “Tương lai không nằm ở nhựa” được thực hiện bởi SYSTEMIQ, chỉ ra rằng, áp lực ngày càng lớn về hạn chế sử dụng nhựa – hiện là mối quan tâm của công chúng trên toàn thế giới – có thể khiến mức tăng trưởng nhu cầu nhựa nguyên sinh bị giảm từ 4%/năm xuống dưới 1%, với dự báo nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2027.
Kết quả là ngành dầu khí sẽ mất đi động lực tăng trưởng chính và khiến nhu cầu dầu khí nhiều khả năng đã chạm đỉnh từ đầu năm ngoái.
Kingsmill Bond, Chiến lược gia năng lượng của Carbon Tracker và là tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh: “Chỉ cần bỏ đi trụ cột nhựa đang chống đỡ cho tương lai của ngành dầu mỏ thì toàn bộ viễn cảnh đẹp đẽ về tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ sụp đổ”.
Phân tích dữ liệu hóa chất và nhựa của hãng dữ liệu IHS Markit cho thấy ngành Hóa dầu đang chịu một cú sốc kép. Các công ty đều cắt giảm vốn đầu tư, khiến các dự án bị đình trệ. Hồi tháng Tư vừa qua, tập đoàn hóa chất Dow Inc của Mỹ tuyên bố sẽ ngừng hoạt động 3 nhà máy tại Mỹ sản xuất polythylene, nguyên liệu chính để sản xuất túi nylon và chai nhựa.
Lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần sẽ tác động lớn đến ngành Dầu mỏ trong những thập kỷ tới. (Ảnh minh họa) |
Hãng PTT của Thái lan và đối tác Hàn Quốc Daelim cũng hoãn vô thời hạn quyết định đầu tư vào một dự án trị giá 5,7 tỉ USD ở Ohio. Trong khi đó, một dự án nhựa lớn khác ở Pennsylvania của Tập đoàn dầu khí toàn cầu Shell đang đứng trước nguy cơ dư thừa nguồn cung và viễn cảnh giá thấp.
Tuy nhiên, theo tập đoàn tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, vẫn có tới 176 nhà máy hóa dầu dự kiến được xây dựng trong 5 năm tới, 80% trong số này đặt tại châu Á.
Trong tương lai, nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ đồ nhựa sẽ giảm do suy giảm kinh tế tại các thị trường châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh chịu tác động của đại dịch, cùng với việc lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần hiện đang phổ biến trên toàn thế giới.
Nghiên cứu của Carbon Tracker và SYSTEMIQ cho biết, mỗi tấn nhựa đang tiêu tốn của xã hội khoảng 1.000 USD chi phí ngoại ứng, tương đương 350 tỉ USD mỗi năm. Chi phí này đến từ việc phát thải khí CO2, chi phí sức khỏe liên quan đến khí độc, chi phí thu gom rác thải và ô nhiễm đại dương. Nhưng nghịch lý là ngành nhựa lại đang nhận được mức trợ cấp nhiều hơn cả khoản thuế nó đóng góp cho xã hội. Thậm chí, phải đến thời gian gần đây mới bắt đầu có một số ít quy định hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa. Trong khi đó, 36% nhựa chỉ được sử dụng một lần, 40% nhựa gây ô nhiễm môi trường và chỉ 5% nhựa thực sự được tái chế. |
Nguyễn Luận