Thứ sáu, 22/11/2024 14:46 (GMT+7)
Thứ hai, 06/12/2021 11:00 (GMT+7)

Cuộc chạy đua của các ngân hàng trong mùa tăng vốn cuối năm

Theo dõi KTMT trên

Câu chuyện tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng những năm qua thường gắn chặt với việc đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), tức tăng vốn để chịu được những khoản vay rủi ro theo tiêu chuẩn Basel 2...

Gần đây, ngân hàng ABBank nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn trong thời gian từ ngày 18/11-8/12/2021.

Cuộc chạy đua của các ngân hàng trong mùa tăng vốn cuối năm - Ảnh 1
Các ngân hàng dồn dập tăng vốn cuối năm.

Ngân hàng ABBank cũng đã hoàn tất hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán để thực hiện phát hành hơn 11,4 triệu cổ phần cho nhân viên theo chương trình ESOP. Ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBank tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 35% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỉ đồng. Sau khi kết thúc đợt chia cổ phiếu thưởng, tổng vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỉ đồng.

Cùng với đó, Viet Capital Bank vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ.

Dự kiến ban đầu, Viet Capital Bank sẽ tăng vốn thêm 1.052 tỉ đồng, nhưng hiện tại, HĐQT ngân hàng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án tăng vốn thêm 1.618 tỉ đồng. Trong đó, chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu với tổng giá trị phát hành 550,6 tỉ đồng và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 4:1, giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu là 917,7 tỉ đồng, phát hành tối đa 150 tỉ đồng cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên ngân hàng. Nếu cả ba phương án trên thành công, vốn điều lệ của Viet Capital Bank sẽ tăng lên mức 4.789 tỉ đồng.

Ngân hàng SHB cũng tăng vốn từ 19.260 tỉ đồng lên hơn 26.674 tỉ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng…

Mặt khác, không chỉ NHTMCP, khối các ngân hàng quốc doanh cũng dồn dập tăng vốn trong giai đoạn cuối năm. Theo đó, Vietcombank vừa được chấp thuận tăng thêm hơn 10.000 tỉ đồng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2019 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 8%, nâng tổng vốn lên hơn 47.325 tỉ đồng.

Gần đây nhất, BIDV cũng chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cổ phần mới cho các cổ đông.

Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, BIDV sẽ tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỉ đồng, lên mức 48.524 tỉ đồng thông qua phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 đồng thời phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Việc các ngân hàng dồn dập tăng vốn cuối năm nguyên nhân được lý giải, một chuyên gia ngân hàng cho biết, bên cạnh tranh thủ lúc cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn, động lực chính là các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, xa hơn Basel III.

Đúng như quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Trong khi đến nay mới có 16/35 ngân hàng đáp ứng được điều này. Ngay cả những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II thì áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu khi quy mô hoạt động của ngân hàng tăng lên.

Đơn cử tại BIDV, tính đến cuối năm 2020, CAR của nhà băng này chỉ đạt 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016, Chính vì vậy, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh việc tăng vốn điều lệ là rất cấp bách.

Ngoài lý do trên, tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động tín dụng khi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị kiểm soát chặt hơn theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng sau khi đạt Basel II đã chuẩn bị cho bước áp dụng các chuẩn mực cao hơn trong Basel III như TPBank, VIB, MSB… Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, Basel III là động lực cũng như nền tảng vững vàng để ngân hàng đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và tính bền vững, chất lượng trong hoạt động, ngăn chặn, hạn chế tổn thất nếu có ở mức thấp nhất.

Giới chuyên môn đánh giá, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Mới đây, một loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm vốn lớn hơn vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn tới. Do các ngân hàng đang đối mặt thách thức về khoản nợ xấu tiềm tàng vì làn sóng dịch bệnh đang diễn ra. Chưa kể, nhiều ngân hàng muốn nâng hạng cạnh tranh lọt vào top đầu ngân hàng trong nước thậm chí là khu vực.

Cuộc chạy đua của các ngân hàng trong mùa tăng vốn cuối năm - Ảnh 2
VP Bank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Với VPBank, ngân hàng này đặt mục tiêu vốn điều lệ tăng lên 75.000 tỉ đồng trong năm 2022, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, khi hoàn thành tăng vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn (CAR) của VPBank dự kiến tăng lên 17% - nhóm cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay. Và với “tấm đệm rủi ro” dày lên, VPBank sẽ có thêm nhiều dư địa để tăng trưởng, nâng cao khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh và khả năng phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chạy đua của các ngân hàng trong mùa tăng vốn cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới