Thứ năm, 25/04/2024 17:34 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/05/2022 07:00 (GMT+7)

Cục Hàng không xin giảm 50% phí hạ, cất cánh hết năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Cục Hàng không Việt Nam vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ban hành chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với các chuyến bay nội địa đến hết 2022.

Đề xuất giảm 50% phí

Theo đó, Cục Hàng không đề xuất giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1 - 31/12/2022.

Bên cạnh đó, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết 2022.

Theo cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không, việc này nhằm tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai.

Cục Hàng không xin giảm 50% phí hạ, cất cánh hết năm 2022 - Ảnh 1
Cục Hàng không xin giảm 50% phí hạ, cất cánh hết năm 2022.

Báo cáo của Cục Hàng không cũng cho biết, từ ngày 15/2/2022, Việt Nam đã khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế như giai đoạn trước dịch Covid-19

Đến nay, Việt Nam đã khôi phục đường bay tới trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác.

Đối với thị trường nội địa, đến nay các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay với tổng số chuyến bay nội địa hằng ngày từ 700 - 800 chuyến.

Cục Hàng không dự báo năm 2022 lượng khách đi máy bay đạt từ 42 - 47 triệu lượt, tăng từ 170 - 200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019.

Trong đó, vận chuyển nội địa ước đạt 33,6 triệu đến 36 triệu lượt hành khách, tăng từ 124% đến 141% so với năm 2021 nhưng giảm từ 5% đến 10% so với năm 2019.

Vận chuyển quốc tế ước đạt từ 8,4 triệu đến 11 triệu khách, tăng trưởng 1.480% đến 2.093% so với năm 2021 và giảm 72% đến 80% so với năm 2019.

Còn sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.

Cục Hàng không cho biết hiện nay Nhà nước vẫn đang triển khai các giải pháp tổng thể giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong đó có doanh nghiệp hàng không.

Thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi từng bước nhưng còn nhiều khó khăn. Dự kiến đến hết năm 2022, lượng khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19

Riêng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi. Với tỉ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường quốc tế nên dự kiến năm 2022, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Thêm vào đó, do các tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không.

Theo dữ liệu thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực châu Á ngày 1/4 tăng cao ở mức 132,63 USD/thùng, ngày 29/4 tiếp tục tăng lên tới 145,67 USD/thùng. Dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 129,5 USD/thùng.

Theo Cục Hàng không, các hãng hàng không là trung tâm của dây chuyền cung cấp dịch vụ hàng không. Khi các hãng hàng không có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì và mở rộng tần suất khai thác các chuyến bay, chặng bay thì cũng sẽ tạo doanh thu cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho hãng hàng không.

Ngân sách Nhà nước còn khó khăn

Liên quan đến kiến nghị giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống mức 5% và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hàng không, ngày 29/4, Bộ Tài chính đã có phản hồi. Theo đó, cơ quan này cho hay thẩm quyền quyết định vấn đề này là của Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết trong thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước nói chung cũng như ngành hàng không nói riêng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Riêng đối với ngành hàng không, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 Nghị quyết (Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020, Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021) quy định giảm 30% đến 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Theo đó, mức giảm của sắc thuế này đối với nhiên liệu bay áp dụng trong năm 2022 là 50%.

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, việc đặt những vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không sẽ phải cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước.

Hiện nay, quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng nhiên liệu bay là 7%. Thêm vào đó, nhiên liệu bay nhập khẩu từ một số quốc gia (có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam) được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp hơn (5%) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Mặt khác, các doanh nghiệp hàng không cũng đang được hưởng lợi từ chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho một số đối tượng, trong đó có ngành hàng không.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Cục Hàng không xin giảm 50% phí hạ, cất cánh hết năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.