Thứ bảy, 27/04/2024 03:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/11/2020 14:54 (GMT+7)

'Cú hích' lớn thúc đẩy năng lượng sạch

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn cầu, bài toán đặt ra là phải tìm nguồn năng lượng mới thay thế cho thuỷ điện và nhiệt điện.

Do đó, để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu về ô nhiễm môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực đưa ra các chính sách phù hợp nhằm phát triển bền vững năng lượng tái tạo.

Cơn sốt năng lượng tái tạo đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là những nước có thế mạnh về bức xạ mặt trời, điện gió. Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết khi thế giới đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước sẽ có những chính sách, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo khác nhau phụ thuộc vào điều kiện và tiềm năng của mỗi quốc gia.

Singapore thúc đẩy lắp đặt pin mặt trời

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc gia Singapore, 95% lượng điện tiêu thụ của Singapore dựa vào nguồn khí đốt nhập khẩu. Thêm vào đó, việc tích trữ và sử dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt, khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt cũng đẩy Singapore tiệm cận nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong tương lai.

'Cú hích' lớn thúc đẩy năng lượng sạch - Ảnh 1

Singapore đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách đẩy mạnh các dự án sử dụng năng lượng mặt trời. (Ảnh: TTXVN)

Cơ quan Điều tiết quản lý thị trường Năng lượng Singapore (EMA) đặt ra mục tiêu, công suất điện mặt trời (ĐMT) phải đạt công suất ít nhất là 2 GW vào năm 2030, tương đương với mức tăng hơn 10% nhu cầu điện năng của đất nước.

“Singapore sẽ triển khai hệ thống dự trữ năng lượng (ESS) khoảng 200 MW sau năm 2025, tạo điều kiện nâng cao sản lượng ĐMT. Trong 10 năm tới, chúng tôi dự kiến, năng lượng mặt trời với ESS sẽ có được số vốn đầu tư tương đương vốn đầu tư cho các tuabin khí hiện tại”, ông Chan Chun Sing - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết thêm.

Để đáp ứng mục tiêu sử dụng NLMT trong giai đoạn tới, Chính phủ Singapore sẽ mở rộng chương trình SolarNova. Dự kiến, đến hết năm 2020, 50% diện tích các mái nhà sẽ được lắp đặt pin mặt trời, nhất là trên mái nhà thuộc khu vực công sở. Chính phủ sẽ đi đầu trong việc lắp đặt ĐMT trên mái nhà tại các tòa nhà công ích. “Chúng ta có thể tưởng tượng, mọi tòa nhà cao tầng, các bức tường và thậm chí là các cửa sổ đều có thể trở thành nơi thu gom NLMT. Điều này về cơ bản sẽ làm tăng sản lượng điện từ NLMT mà Singapore có thể sản xuất”, ông Chan cho biết.

Bên cạnh việc lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn cho các tòa nhà, Singapore cũng lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện mặt trời nổi trong các hồ nước lên khoảng 160 MW. Mới đây, Singapore đang xem xét nhập khẩu ĐMT khi quốc đảo này đang tiến hành đa dạng hóa nguồn năng lượng và tiến tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính xuống mức 0 vào nửa sau của thế kỷ 21.

Nhật Bản chú trọng phát triển năng lượng tái tạo

Tháng 7/2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050. Theo đó, Nhật Bản đã định hướng phát triển năng lượng dựa trên nguyên lí 3 E+S, (Viết tắt của Safety - an toàn, Energy Sercurity - an ninh năng lượng, Enviroment - môi trường, Economic Effeciency - hiệu quả kinh tế). Nguyên lý này cho thấy, Nhật Bản đang hướng đến xác lập cơ cấu cung cầu năng lượng bền vững, giảm gánh nặng kinh tế và thân thiện với môi trường.

'Cú hích' lớn thúc đẩy năng lượng sạch - Ảnh 2
Cùng với điện gió, điện mặt trời đang được khuyến khích phát triển ở Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)

Theo kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển điện mặt trời, trong đó có các công trình ĐMT áp mái là không thể thiếu trong Chiến lược phát triển năng lượng của chính phủ Nhật Bản.

Theo Nikkei, Nhật Bản đã thực hiện một bước tiến mới để đưa đất nước thành một trung tâm năng lượng tái tạo tại Fukushima, với 11 nhà máy điện mặt trời và 10 nhà máy điện gió cùng khoản đầu tư 300 tỉ yên (tương đương 2,75 tỉ USD) vào cuối năm 2019. Ngân hàng phát triển thuộc chính phủ Nhật Bản và ngân hàng tư nhân Mizuho Bank là hai nhà đầu tư chính của dự án.

11 nhà máy điện mặt trời và 10 nhà máy điện gió sẽ được xây dựng tại các trang trại và các khu vực miền núi của Fukushima. Dự tính sản lượng điện có sẵn khoảng 600 MW, tương đương 2/3 sản lượng điện của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Điện sản xuất bằng năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng ở khu vực thủ đô Tokyo. Dự án này cũng xây dựng một hệ thống đường dây với bán kính 80 km để kết nối các nguồn năng lượng khác.

Năng lượng tái tạo dần thay thế thủy điện và nhiệt điện tại Campuchia

Nhu cầu điện tại Campuchia đang tăng mạnh đến mức nước này không thể đáp ứng nổi. Năm 2019, lượng điện tiêu thụ tại đây đạt mức cao nhất trong lịch sử, tăng 32% so với mức tăng 16% của năm ngoái.

Hồi năm 2019, Tổng Giám đốc Công ty điện lực Campuchia (EDC) Keo Rattanak cho biết Campuchia sẽ tăng đầu tư cho ĐMT thêm 12% vào cuối năm 2020 và tăng tổng cộng 20% đầu tư cho ngành này trong 3 năm tới.

Những năm gần đây, Campuchia chủ trương không xây dựng thêm nhà máy thủy điện dọc sông Mê Kông mà chú trọng phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện đang tăng mạnh tại nước này.

Một trong những thiệt hại lớn nhất do các dự án thủy điện dọc sông Mê Kông gây ra là tác động tới hệ sinh thái và môi trường, kéo theo đó là ảnh hưởng tới sinh kế của người dân và nền văn hóa dọc sông Mê Kông.

Trong bối cảnh thủy điện bộc lộ nhiều yếu điểm như vậy, các chuyên gia nhận định việc Campuchia chuyển hướng sang đa dạng hóa nguồn điện từ năng lượng tái sinh và không xây thêm đập thủy điện dọc sông Mê Kông là bước đi vô cùng hợp lý, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và gìn giữ nền văn hóa gắn liền với dòng sông này.

Thái Lan dẫn đầu ASEAN về phát triển năng lượng sạch

Vào năm 2012, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên của châu Á giới thiệu chính sách hỗ trợ giá bán điện được sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời (feed-in tariffs), cho phép các công ty phát triển năng lượng mặt trời được trả thêm các khoản tiền bên ngoài giá bán điện bình thường khi bán điện cho nhà nước.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, Thái Lan xếp thứ 15 trong Top toàn cầu năm 2016, với công suất hơn 3.000 MW, cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại. Dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời tại đất Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW.

Bên cạnh đó, trong 5 năm tới, chính phủ nước này dự kiến đầu tư 11,3 tỉ USD vào khí đốt tự nhiên và cơ sở hạ tầng năng lượng. Không chỉ phát triển trong nước, các công ty năng lượng lớn của Thái Lan đã mở rộng hoạt động đầu tư ra các nước trong khu vực.

'Cú hích' lớn thúc đẩy năng lượng sạch - Ảnh 3

Thái Lan dẫn đầu ASEAN về phát triển năng lượng sạch. (Ảnh: Internet)

Việt Nam: Bài toán phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều bất cập

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất ĐMT mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính... Việc cấp phép ồ ạt hàng loạt dự án điện mặt trời hòa lưới điện dễ dẫn tới tình trạng "rã lưới", thừa điện...

Hiện nay, nước ta chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng truyền thống đó là thủy điện, nhiệt điện than. Nguồn năng lượng này khá dồi dào với giá thành rẻ, tuy nhiên đi kèm với nó là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Để năng lượng tái tạo được đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam không phải điều dễ dàng, do nó đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt hơn, tuy nhiên, sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy về môi trường, bệnh tật,... Do đó, các quyết định đối với việc phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam hiện tại sẽ có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người và các vấn đề môi trường trong tương lai.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết 'Cú hích' lớn thúc đẩy năng lượng sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Xã Diễn Hoàng dần lộ diện nông thôn mới nâng cao
Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, phát huy nội lực, xã Diễn Hoàng, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo NTM lộ diện, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tin mới