Thứ sáu, 22/11/2024 14:31 (GMT+7)
Thứ hai, 07/11/2022 06:55 (GMT+7)

COP27: Chung tay khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

COP27 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Do đó, thế giới ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và chung tay hành động khẩn cấp, coi đây là vấn đề mang tính sống còn đối với sự tồn tại loài người.

Ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu

Mới đây, ngày 6/11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh ở thành phố Sharm El-Sheikh, tỉnh Nam Sinai của Ai Cập.

COP27 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Kể từ đầu năm 2022 tới nay, các hiện tượng thời tiết như nắng nóng gay gắt và mưa lớn bất thường đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến hàng triệu người bị mất nhà cửa. Phần lớn nguyên nhân dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan là do biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây đã kêu gọi thế giới ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và chung tay hành động khẩn cấp, coi đây là vấn đề mang tính sống còn đối với sự an toàn và tồn tại của loài người bởi con người đang đối mặt với những tác động to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo đó, với tốc độ ứng phó như hiện nay, thế giới không thể hạn chế được mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, chưa nói đến mục tiêu 1,5 độ C đã đề ra, do cam kết của các nước công nghiệp phát triển cũng như những thành viên còn lại trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) còn quá ít ỏi và chậm trễ.

Với tư cách nước chủ nhà và là nước Chủ tịch COP27, Ai Cập đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính, bao gồm tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, và nâng tham vọng hành động khí hậu. Ai Cập rất kỳ vọng COP27 sẽ giải quyết được các vấn đề then chốt như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sự thành công của COP27 phụ thuộc vào ý chí chính trị của các quốc gia, giữa lúc thế giới đang chứng kiến những diễn biến quốc tế không thuận lợi như cuộc xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lương thực, cũng như đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát leo thang.

COP27: Chung tay khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu - Ảnh 1
COP27 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và có "ý chí chính trị lớn hơn" để nâng tham vọng hành động khí hậu, đồng thời hối thúc các quốc gia "gác lại những khác biệt chính trị" liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine để thúc đẩy hợp tác tiến tới các hành động vì khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Ai Cập cũng kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển, nhất là các quốc gia châu Phi, trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một trong những vấn đề nổi cộm tại COP27 chính là cam kết tài chính xanh. Theo đó, mỗi năm các nước phát triển vốn thải nhiều khí CO2 vào khí quyển sẽ dành một khoản cam kết 100 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cam kết này lẽ ra phải được thực hiện từ năm 2020 nhưng đã không đạt được. Theo tính toán cập nhật mới nhất, các nước giàu mới chỉ cam kết chi 83,3/100 tỷ USD. Các nhà kinh tế lo ngại rằng với sự giảm tốc của kinh tế thế giới, dịch bệnh COVID-19 còn dai dẳng và đặc biệt là nhiều nước đang phải quay trở lại với điện than, khí đốt…trong bối cảnh lạm phát giá năng lượng, việc cam kết hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD sẽ khó có thể đạt được tại COP27 năm nay, mà phải chờ đợi tới 2025.

Theo TS Tara Shine, chuyên gia tư vấn về kinh tế và khí hậu, nhận định: "Các nước đang phát triển cần nguồn tài chính và công nghệ từ các nước phát triển để đầu tư dài hạn và cả ngắn hạn ứng phó với biến đổi khí hậu. Dòng tiền phải chảy, sự phối hợp cần phải được thực hiện. Hãy nhớ trong cuộc khủng hoảng này không quốc gia nào có thể một mình tìm ra lối thoát".

Theo chương trình làm việc, sau phiên khai mạc ngày 6/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 7 - 8/11. Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Các phiên họp từ ngày 9 - 17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Ngày Tài chính, Ngày Khoa học, Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai, Ngày về khử carbon, Ngày thích ứng và nông nghiệp, Ngày về giới, Ngày về nước, Ngày về xã hội dân sự, Ngày năng lượng, Ngày đa dạng sinh học, Ngày về các giải pháp. Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị sẽ thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.

Việt Nam nỗ lực cam kết cùng cộng đồng quốc tế

Tại COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh trong năm ngoái, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Đây là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam gửi tới cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, bao gồm cả việc thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH cũng như việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, quá trình rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã hoàn thành, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Nội dung NDC năm 2022 bám sát các nội dung trong bản NDC cập nhật năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030 trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, đưa ra các định hướng chiến lược để Việt Nam thực hiện thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050, bao gồm định hướng thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.

Để thực hiện được các định hướng Chiến lược này, Việt Nam kêu gọi sự tham gia liên tục, lâu dài của toàn hệ thống chính trị, mọi tổ chức và người dân cùng với hỗ trợ nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cho Việt Nam.

“Việt Nam là nước mới bắt đầu phát triển trong vài thập kỷ gần đây. Thu nhập của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trên thế giới. Việc thực hiện đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và thực hiện tương đương với mức độ thực hiện của nhiều nước phát triển.

Để thực hiện nỗ lực này, Việt Nam rất cần được hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển và cộng đồng quốc tế. Mặt khác, giảm phát thải khí nhà kính là nỗ lực toàn cầu, Việt Nam không thể làm một mình khi các nước khác không thực hiện hoặc thực hiện không đủ” – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết COP27: Chung tay khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới