Công ty Gia Thịnh bị dân phản ánh vì khai thác cát trên sông Lô: Sở TN&MT Phú Thọ nói gì?
“Trong trường hợp Công ty Gia Thịnh báo cáo không đúng khối lượng khai thác thực tế, Sở TN&MT sẽ yêu cầu phía Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh vào cuộc kiểm tra xử lý”, lãnh đạo Sở TN&MT Phú Thọ khẳng định.
Ngay sau khi Tạp chí Kinh tế Môi trường đăng tải bài viết “Phú Thọ: UBND xã đề nghị thu hồi giấy phép khai thác cát của Công ty Gia Thịnh”, Phóng viên tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty Gia Thịnh khai thác cát trái quy định, vượt ngoài phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép trước đó.
Chiều 13/7, Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có mặt tại địa bàn xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, nơi Công ty Gia Thịnh được cấp phép khai thác khoáng sản. Thời điểm đó, có tất cả 7 tàu cuốc cầu gầu dây, 1 tàu cuốc đang khai thác tại 3 điểm khác nhau trên địa bàn xã An Đạo. Ngoài 8 phương tiện đang hoạt động, Phóng viên còn ghi nhận được một số tàu cuốc, tàu cầu gầu dây đang neo đậu trong khu vực Công ty Gia Thịnh được cấp phép.
Trong số 7 tàu cầu gầu dây đang khai thác thì có 2 chiếc cắm thẳng vào chân bãi bồi đất chuyên canh hoa màu của người dân, 5 chiếc đang khai thác gần bờ. 3 trong số 5 tàu cầu gầu dây này đã cắm thẳng vào khu vực bãi bồi đã bị sạt lở trước đó để tiếp tục khai thác. Đáng nói, vị trí khai thác này cách trạm bơm tiêu Bình Bộ không xa.
Phóng viên lập tức liên hệ với ông Hoàng Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã An Đạo đề nghị chính quyền địa phương xác minh kiểm tra. Ông Hoàng Mạnh Hồng cho biết: “Xã cũng vừa nhận được phản ánh từ phía người dân về việc Công ty Gia Thịnh đưa tàu vào đánh (khai thác-PV) cát sát trong bờ bãi gây sạt lở. Tôi sẽ cho anh em kết hợp với công an xã ra kiểm tra, lập biên bản nếu công ty vi phạm”.
Liên quan đến vị trí khai thác ngay sát khu vực sạt lở phía trước trạm bơm tiêu Bình Bộ, Phóng viên đã liên hệ với ông Hà Kế Tài, Chủ tịch UBND xã Bình Phú để thông tin sự việc. Nhận được thông tin, ông Tài ngay lập tức cho cán bộ xuống kiểm tra. Chiều tối cùng ngày, ông Hà Kế Tài cho biết: "Khu vực 2 tàu cầu gầu dây và 1 tàu cuốc của công ty Gia Thịnh đang khai thác sát trạm bơm tiêu Bình Bộ nằm trong khu vực giáp danh giữa 2 xã, thuộc địa phận xã An Đạo quản lý. Trách nhiệm xử lý thuộc xã An Đạo".
Trả lời về việc Công ty Gia Thịnh sử dụng quá số lượng tàu thuyền được phép khai thác cát, ông Hoàng Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND xã An Đạo cho biết: "Chức năng xử lý thuộc thẩm quyền của phía công an, nên sau khi nắm tình hình xã chỉ có thể lập biên bản và báo cáo".
Trong khi đó, khi được hỏi về số lượng tàu, phương tiện được phép khai thác trong phạm vi mỏ, ông Hà (quản lý mỏ) và một người đàn ông tên N. (tự xưng đại diện Công ty Gia Thịnh) cho rằng, số tàu này được phép khai thác. Tuy nhiên, khi Phóng viên đặt câu hỏi về số lượng tàu đang khai thác vượt xa số tàu được cấp phép, thì các vị này im lặng không trả lời.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc kiểm soát khối lượng khai thác khoáng sản của Công ty Gia Thịnh, một lãnh đạo sở TN&MT tỉnh Phú Thọ khẳng định, đơn vị kiểm soát khối lượng khai thác dựa trên báo cáo của doanh nghiệp. Trường hợp Công ty Gia Thịnh báo cáo không đúng khối lượng thực tế đã khai thác thì Sở TN&MT sẽ yêu cầu phía Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh vào cuộc kiểm tra xử lý.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, trong giấy phép của Công ty Gia Thịnh Phú Thọ nêu rõ: Có 2 tàu cuốc khai thác (1 chiếc dự phòng), 2 tàu cầu gầu dây (1 chiếc dự phòng), 3 xà lan loại 200 tấn. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, tại mỏ của công ty này ở khu 9 xã An Đạo thường có 6 chiếc tàu cầu gầu dây, trong đó 4 chiếc luôn hoạt động hết công suất.
Theo tính toán của đại diện một số đơn vị hoạt động khai thác cát tại miền Bắc, trung bình mỗi tiếng đồng hồ, một chiếc tàu cuốc cầu gầu dây có thể khai thác được khoảng là 120 m3 cát. Mỗi ngày hoạt động khoảng 12 tiếng thì có thể khai thác được gần 1.500 m3 cát, chưa kể các loại tàu khác có công suất lớn hơn. Vào những ngày thấp điểm, với 4 tàu cuốc, chỉ cần hoạt động đúng trong thời gian cấp phép Công ty Gia Thịnh có thể khai thác được 6.000 m3 cát. Riêng ngày 13/7, với 8 tàu khai thác thì Công ty Gia Thịnh có thể khai thác được hơn 10.000 m3 cát.
Đối chiếu với nội dung giấy phép số 07/GP-UBND do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 22/01/2019 (Công ty Gia Thịnh được khai thác 28.000 m3 cát/năm), thì chưa đầy một tuần, Công ty Gia Thịnh đã khai thác hết khối lượng cát được cấp phép trong một năm. Sự việc khiến dư luận đặt câu hỏi, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ có thực sự kiểm soát được khối lượng khai thác cát thực tế của Công ty Gia Thịnh?
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép; không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông; không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép, bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí, có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV