Phú Thọ: UBND xã đề nghị thu hồi giấy phép khai thác cát của Công ty Gia Thịnh
“Nguyện vọng bây giờ của UBND xã và toàn bộ người dân là Công ty Gia Thịnh dừng khai thác cát để dân đỡ khổ, xã đỡ đau đầu”, ông Hoàng Mạnh Hồng,Chủ tịch UBND xã An Đạo chia sẻ.
Sau khi Tạp chí Kinh tế Môi trường đăng tải tuyến bài “Phú Thọ: 'Cát tặc' hoành hành, sông Lô dậy sóng”, Phóng viên tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng khai thác cát trái quy định của Công ty TNHH Gia Thịnh trên địa bàn các xã Bình Phú, An Đạo (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Việc khai thác này bị phản ánh khiến hàng chục hecta đất nông nghiệp chuyên canh hoa màu của người dân có thể trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào.
Theo ghi nhận thực tế của Phóng viên, dọc tuyến đê Tây Sơn đoạn qua xã Bình Phú và xã An Đạo, hàng nghìn m2 đất canh tác đã bị sạt lở. Nhiều bờ đất, bãi bồi bị nước sông Lô "ăn" sâu vào hàng chục mét, tiến sát vùng trồng hoa màu. Bờ sông bị xâm phạm dài hàng trăm mét, không được kiểm soát.
Từ trung tuần tháng 5/2021, sau khi Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh về tình trạng khai thác cát trái quy định của Công ty Gia Thịnh trên địa bàn xã Bình Phú thì công ty này chuyển phương tiện sang khai thác cát trên địa bàn xã An Đạo.
Ngày 7/7, Phóng viên ghi nhận có 4 tàu cuốc mang biển tên Công ty TNHH Gia Thịnh đang khai thác cát trong khu vực Công ty Gia Thịnh được cấp phép. 3 trong số 4 tàu cuốc của Công ty Gia Thịnh cắm thẳng gầu múc vào bãi bồi chuyên canh khai thác cát. Từng gầu múc đầy ắp cát được đổ thẳng vào boong tàu vận chuyển đang nằm sát bên. Trong khi đó, hàng chục tàu vận chuyển khác đang chờ đến lượt “ăn hàng”. Khúc sông Lô biến thành phiên chợ cát nhộn nhịp với tiếng máy inh ỏi chấn động cả vùng.
Thế nhưng, theo tìm hiểu, đây là ngày thấp điểm. Vào những ngày cao điểm, có từ 6 - 10 tàu cuốc tập trung khai thác cát, hàng nghìn khối cát được đưa lên khỏi lòng sông Lô mỗi giờ. Số cát này sau đó được các tàu vận chuyển đưa đi tiêu thụ.
Chị T.T.V (xin được giấu tên) cho biết: “Trên địa bàn xã An Đạo ngày nào cũng có cả chục tàu về nằm chờ lấy cát của Công ty Gia Thịnh. Họ khai thác liên tục, tàu cuốc cắm thẳng vào bãi bồi của dân khai thác khiến đất canh tác hai bên bờ sông Lô nhiều năm nay sạt lở nghiêm trọng, biến đất nông nghiệp của chúng tôi thành 'bữa ăn' cho sông Lô”.
Cũng theo chị V., tình trạng khai thác cát trái quy định của Công ty Gia Thịnh diễn ra từ lâu, nhưng không thấy cơ quan chức năng vào thanh kiểm tra và xử lý dứt điểm. Người dân đã nhiều lần có ý kiến gửi đến cơ quan chức năng.
Trước đó, vào ngày 2/4/2021, có khoảng 40-50 người dân tập trung tại khu vực của Công ty TNHH Xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ, yêu cầu công ty dừng hoạt động khai thác. Lý do là Công ty đang lấn chiếm vào bờ và một số tàu cuốc đang khai thác ngoài phạm vi mỏ. Điều này đã được UBND huyện Phù Ninh ghi nhận và yêu cầu các đơn vị chuyên môn kiểm tra giám sát và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm bằng văn bản số 382/UBND – TNMT ngày 5/4/2021.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Hoàng Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND xã An Đạo cho biết: “Trên sông Lô đoạn chảy qua địa bàn xã có Công ty Gia Thịnh được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (cát). Ngay từ ngày đầu, khi tỉnh cấp phép cho Công ty khai thác cát thì tôi và toàn bộ người dân địa phương đều phản đối. Thế nhưng, vì tỉnh cấp phép nên đành chịu. Chúng tôi không đồng ý, vì nếu tuyến đê Tây Sơn mà vỡ ra thì cả xã An Đạo và nửa tỉnh Phú Thọ đều bị ảnh hưởng…”.
Theo tìm hiểu, Công ty Gia Thịnh được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản từ ngày 22/01/2019 tại giấy phép số 07/GP-UBND. Theo đó, Công ty Gia Thịnh được khai thác cát tại mỏ cát sông Lô, xã An Đạo và Bình Bộ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ với nội dung cụ thể như sau: Vị trí khu vực khai thác: Mỏ cát sông Lô thuộc xã An Đạo, Bình Bộ huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cùng diện tích khai thác là 18,84 ha, loại khoáng sản được phép khai thác là cát xây dựng, độ sâu được phép khai thác thấp nhất là +2.0 m, sản lượng khai thác hàng năm 28.000 m3 với thời hạn khai thác là 3 năm kể từ ngày ký giấy phép khai thác.
Được biết, tại văn bản số 26/SXD - VLXD về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công công trình khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Lô của Công ty Gia Thịnh ngày 20/2/2019 của Sở Xây Dựng tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Chế độ làm việc của mỏ quy định số ngày làm việc của một năm là 250 ngày, số ca làm việc trong 1 ngày là 1 ca, số giờ làm việc trong 1 ca là 8 tiếng.
Căn cứ vào những quy định nêu trên, yêu cầu Công ty Gia Thịnh bố trí tàu, loại tàu khai thác đảm bảo an toàn và không được vượt công suất khai thác của mỏ hàng năm như sau: Tàu quốc khai thác số lượng 2 chiếc, dự phòng 1 chiếc, cầu gầu dây số lượng 2 chiếc dự phòng 1 chiếc, 3 chiếc xà lan vận chuyển 200 tấn, sử dụng sà lan vận chuyển cát, sỏi nguyên khai từ khai trường về bãi tập kết tại khu 10 xã Trị Quận, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận thực tế của Phóng viên, tình trạng khai thác cát vượt quá thời gian cho phép, khai thác ngoài chỉ giới giấy phép mà UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp trước đó. Sự việc kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Ông Hoàng Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã An Đạo, cho hay: “Mỗi lần nhận được phản ánh của người dân, tôi đều cho cán bộ ra kiểm tra. Cán bộ vừa ra khỏi cửa Ủy ban xã thì người của Công ty Gia Thịnh đã nắm được nên thông báo cho tàu cuốc dừng khai thác. Cán bộ xuống đến nơi thì tàu cuốc đã dừng khai thác từ lúc nào rồi. Hỏi vì sao đỗ quá lượng tàu khai thác ở đây thì họ trả lời tàu đưa từ khu vực khác về đỗ nhờ ở đây. Chúng tôi biết nhưng không làm gì được vì nhân lực có hạn, trong khi đó chính quyền địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Nguyện vọng bây giờ của xã và toàn bộ người dân là dừng khai thác cát với Công ty Gia Thịnh để dân đỡ khổ, xã đỡ đau đầu”.
Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với ông Hoàng Ngọc Cường, Giám đốc Công ty Gia Thịnh. Trao đổi qua điện thoại, ông Cường đề nghị Phóng viên liên hệ với ông Hà quản lý mỏ.
Về câu hỏi Công ty Gia Thịnh được cấp phép khi nào, đăng ký bao nhiêu số lượng tàu cuốc tại khu mỏ thì ông Hà đều “không nắm được, cái này phải đi hỏi kỹ thuật”. Liên quan đến hồ sơ của mỏ, ông Hà đề nghị Phóng viên liên hệ với ông Cường và qua trụ sở công ty làm việc vì ông không giữ hồ sơ.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV