Công nghệ tái chế rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ, đột phá mới của vùng đất sa mạc Ả Rập
Với một quốc gia luôn bị đe dọa bởi an ninh lương thực thì công nghệ mới biến rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ đã mở ra một chân trời mới cho ngành nông nghiệp Ả Rập. Và hơn hết, họ đã cắt giảm được một lượng lớn khí thải từ rác thực phẩm.
Góp phần vào công cuộc cắt giảm khí thải carbon, Ả Rập đã áp dụng công nghệ tái chế rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ trên toàn quốc gia, thông qua một ứng dụng kỹ thuật số mang tên ReLoop. Dự án xanh hữu ích này không chỉ giải quyết được vấn đề về rác thải thực phẩm, hỗ trợ trồng trọt mà còn tạo ra một vòng kinh tế tuần hoàn bền vững.
Công ty sở hữu Reloop sẽ có nhiệm vụ thu gom rác thải thực phẩm từ các bếp khách sạn, nhà hàng và trang trại trên khắp Ả Rập, sau đó phân loại và đem đi ủ phân. Tại cơ sở ủ phân, rác thải thực phẩm được trộn lẫn với rác cảnh quan từ cây cối đô thị và sàng lọc. Bên trong những đống rác thực phẩm là vô số sinh vật tự nhiên có ích cho quá trình ủ phân như giun và nấm. Sau quá trình ủ phân tự nhiên kéo dài tới 12 tuần, thành phẩm thu được là phân bón hữu cơ. Phân bón hữu cơ sau đó được đóng gói và vận chuyển cho nông dân địa phương. Loại phân bón này giàu dinh dưỡng và thường được nông dân sử dụng để bón cho cây ăn quả và rau trồng. Vì hàm lượng dinh dưỡng cao với đất mà nó đã được gọi là "vàng nâu" có tác dụng hỗ trợ trồng trọt tốt.
Dự án biến chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ của ReLoop ra mắt vào năm 2021 tại Ả Rập. Tính đến nay, có hơn 100 khách sạn và nhà hàng tại quốc gia này đã tham gia vào dự án. Dự án đã thu gom được hơn 1 triệu kg rác thải, ngăn cho chúng không bị vứt ở bãi chôn lấp. Con số này tương đương với hơn 1,2 triệu kg khí thải carbon được cắt giảm. Được biết, rác thải ở bãi chôn lấp là nguồn phát thải khí carbon và metan lớn nhất trên thế giới.
Với một quốc gia vốn có khí hậu khô cằn, thiếu hụt nước, có ít đất canh tác và có an ninh lương thực bấp bênh như Ả Rập, dự án tái chế rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ có ý nghĩa rất lớn đối với ngành nông nghiệp của quốc gia. Trước kia, Ả Rập phải nhập khẩu tới 90% lương thực, thực phẩm. Giờ đây, quốc gia dầu mỏ này đã có thể chủ động sản xuất thực phẩm trong nước hơn chỉ từ những thứ mà chúng ta gọi là rác thải bỏ đi.
Ông Youssef Chehade, đồng sáng lập của dự án ReLoop cho biết, phân bón hữu cơ từ rác thải thực phẩm có thể cải thiện cấu trúc đất. Với phần lớn diện tích là sa mạc, dự án có thể biến đất sa mạc trở nên giàu dinh dưỡng và phù hợp với canh tác, từ đó góp phần bảo vệ và cải thiện an ninh lương thực cho Ả Rập.
Theo: Reteurs
Gia Tuệ