Thứ bảy, 23/11/2024 23:11 (GMT+7)
Thứ năm, 02/12/2021 18:00 (GMT+7)

Con sông Moulouya với lời cảnh báo về biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Khi nước sông giảm xuống mức thấp, nước mặn dần dần xâm chiếm các mạch nước ngầm chung quanh lòng sông và ăn sâu vào đất liền tới 15 km, phá hủy sinh kế của những người nông dân sống ở hai bên bờ.

Lần đầu sông cạn kiệt không thể hòa vào đại dương

Con sông Moulouya dài 500 km, từng được ví như chiếc phao cứu sinh cho những người nông dân trong khu vực gần biên giới Algeria, đã không thể đổ ra biển, mà thay vào đó nó bị chia cắt với Địa Trung Hải bằng một bãi cát.

Nhà môi trường người Maroc Mohamed Benata (M.Bê-na-ta) đã ghi lại những bức hình về vùng đất khô cằn, nơi từng là cửa sông Moulouya trù phú, nhưng sau nhiều năm do hạn hán và bị khai thác quá mức, nơi hợp lưu giữa dòng sông này với biển lớn chỉ còn là bãi cát khô cằn.

Con sông Moulouya với lời cảnh báo về biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Nơi từng là cửa sông Moulouya trù phú trở thành vùng đất khô cằn. (Ảnh: Bnews.vn)

Đây là lần đầu tiên sông Moulouya ngừng đổ ra biển. Khi nước sông giảm xuống mức thấp, nước mặn dần dần xâm chiếm các mạch nước ngầm chung quanh lòng sông và ăn sâu vào đất liền tới 15 km, phá hủy sinh kế của những người nông dân sống ở hai bên bờ. Bên ngoài làng Karbacha, anh Ahmed Hedaoui, 46 tuổi, sở hữu một số trang trại trồng dưa cho biết, anh đã chi tới 300 nghìn dirham (khoảng 34 nghìn USD) để cải tạo đất, lắp hai máy bơm để tưới nước, nhưng không thu lại được gì bởi tình trạng khô cằn.

Người nông dân này cho biết, mọi thứ đều chết vì hầu như không có mưa và dòng sông thì nhiễm mặn. Năm nay, dưa của anh Ahmed Hedaoui nhạt mầu, vàng úa và biến dạng.

Thông thường nước biển chứa khoảng 35 g muối trong mỗi lít nước, trong khi nước ngọt chỉ chứa chưa đầy 0,5 g. Thế nhưng con sông Moulouya này chứa tới 7 g muối. Theo nhà môi trường Benata, đây chính là thảm họa với động vật hoang dã trong khu vực. Hiện cửa sông Moulouya cũng đang ngập đầy rác, phá hủy một trong những khu bảo tồn thiên nhiên phong phú nhất khu vực.

Những người nông dân ở đây không thể dùng nước sông để tưới cho cây trồng. Xâm nhập mặn đe dọa cuộc sống của những người nông dân như anh Mustapha, người đang trồng a-ti-sô gần đó. Do thiếu nước, trang trại của anh hiện chỉ còn một phần ba diện tích đất có thể sử dụng trong tổng số 57 ha mà anh đã canh tác.

Con sông Moulouya với lời cảnh báo về biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Những người nông dân ở đây không thể dùng nước sông để tưới cho cây trồng. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Giới chuyên gia cho rằng, việc quản lý nước chưa hợp lý và xây dựng quá nhiều cơ sở hạ tầng đã gây ảnh hưởng đến dòng sông Moulouya. Hiện có tới hai trạm bơm nước và ba con đập trên dòng sông Moulouya. Bộ Nông nghiệp Maroc dự báo, hạn hán sẽ còn tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới, với lượng mưa giảm 11% và nhiệt độ trung bình tăng 1,3 độ C vào năm 2050. Điều này có thể khiến trữ lượng nước tưới tiêu giảm đi 25%. Đối với những người nông dân sống ở lưu vực sông Moulouya, cuộc khủng hoảng đang hiện hữu.

Việc người nông dân không thể canh tác sẽ làm họ mất đi sinh kế, đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói và có nguy cơ phải rời bỏ quê hương đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Và, đây không chỉ là câu chuyện của riêng người dân sống trong lưu vực sông Moulouya, mà còn là lời cảnh báo về vấn đề khai thác nguồn nước quá mức, cũng như các hành động hủy hoại môi trường đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của con người.

Sông Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu

Do những biến đổi khí hậu bởi hiện tượng El Nino nên nhiều sông trên toàn quốc, đặc biệt là sông Hồng, đang bị cạn kiệt nghiêm trọng.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lượng nước ở nhiều sông, hồ trên toàn quốc đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử chuỗi quan trắc. Ước tính của các cơ quan chuyên môn, riêng tổng lượng nước đổ về các hồ thủy điện từ sông Hồng so với năm 2009 hụt khoảng 2 tỷ m3 nước.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khu vực Nam bộ nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít đã làm dòng chảy trên sông Mekong giảm nhanh và luôn ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Tại một số nơi vùng thượng nguồn, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong số liệu quan trắc.

Con sông Moulouya với lời cảnh báo về biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Dòng chảy trên sông Mekong giảm nhanh và luôn ở mức thấp hơn trung bình. (Ảnh: hanoimoi.com)

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên sông Hồng được lý giải là do mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa ở Bắc bộ ít cộng với nắng nóng kéo dài. Ngay trong mùa lũ lượng mưa đã thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm nên đỉnh lũ các sông đều thấp hơn trung bình nhiều năm, có nơi hoàn toàn không có mưa. Đặc biệt trong các tháng mùa khô đã xảy ra ba đợt nắng nóng khá bất thường tại các tỉnh miền Bắc, một số nơi nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc.

Nhiệt độ không khí cao làm tăng lượng nước bốc hơi từ mặt đất, thảm thực vật, hồ ao làm tổn thất dòng chảy lớn, nhất là dòng chảy ngầm. Tại khu vực Nam bộ và Tây Nguyên cũng liên tục có nhiều ngày nắng nóng, nhất là ở khu vực các tỉnh miền đông Nam bộ, đã dẫn tới nguồn nước bị suy giảm nhanh.

Lượng nước ngầm suy giảm nhanh tại nhiều khu vực còn do nguyên nhân chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm dẫn tới khả năng giữ nước của rừng không cao. Tại nhiều địa phương như Sơn La, Lai Châu, Lao Cai..., tỉ lệ che phủ rừng tăng nhưng diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng, rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thủy đã giảm sút, làm mất đi khả năng điều tiết nước, giữ nước của lưu vực sông dẫn tới tình trạng khi có mưa, nước sông lên nhanh, khi không mưa, sông cạn nước.

Ngoài ra, việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm quá mức, đáy sông bị hạ thấp... cũng là nguyên nhân làm nguồn nước bị suy giảm nhanh.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Con sông Moulouya với lời cảnh báo về biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới