Thứ bảy, 23/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/02/2021 11:08 (GMT+7)

Coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT - XH bền vững

Theo dõi KTMT trên

“Coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Đây là quan điểm được khẳng định tại Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/08/2019 của Bộ Chính trị, được ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ.

Coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT - XH bền vững - Ảnh 1
Bảo vệ môi trường để phát triển KT - XH bền vững.

Những mục tiêu lớn

Chương trình hành động của Chính phủ đặt ra các mục tiêu quan trọng: Đến năm 2025, xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từng bước kiềm chế xu hướng ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn; 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; phấn đấu tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30% tổng lượng chất thải được thu gom; 100% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý. Bảo đảm 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

Bên cạnh đó, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, đi-ô-xin; 95% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bảo đảm độ che phủ rừng được duy trì ở mức 42%; 13 khu đất ngập nước Ramsar, 12 khu dự trữ sinh quyển được thành lập và công nhận. Tăng diện tích các khu đất ngập nước quan trọng được bảo vệ; có ít nhất 10 loài nguy cấp được đưa vào chương trình bảo vệ.

Để đạt được các mục tiêu này, các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường. Tính chủ động được thể hiện ở việc quản lý theo giấy phép môi trường để kiểm soát ô nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ban hành quy định về khoảng cách an toàn môi trường; rà soát, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư tập trung.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp quốc gia và địa phương; đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường không khí; tăng diện tích cây xanh, công viên trong các đô thị và khu dân cư.

Tiếp tục thực hiện bảo vệ môi trường nước mặt, đặc biệt đối với các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục tăng cường quản lý chất thải rắn. Hoàn thiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối trong thu hồi, tái chế các sản phẩm thải bỏ; phát triển thị trường trao đổi sản phẩm tái chế.

Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường, sự cố tràn dầu và các hóa chất độc hại; xử lý có hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phải cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân

Để cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra việc thực hiện các dự án bảo vệ, phục hồi, cải tạo, bổ sung không gian, mặt nước trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các ao, hồ, kênh, mương, sông.

Triển khai xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên cả nước; tiếp tục điều tra, đánh giá, khoanh vùng và cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực tồn lưu hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, các khu vực ô nhiễm chất độc đi-ô-xin, đẩy nhanh tiến độ rà phá bom, mìn còn sót sau chiến tranh.

Thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển, vùng ven biển, hải đảo, nhất là các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu du lịch, bãi tắm, khu nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp về cung cấp nước sạch trong Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên; tăng cường giao rừng cho cộng đồng. Việc trồng rừng cần đặc biệt lưu ý đến trồng rừng đầu nguồn lưu vực sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

Xử lý ngay ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn

Đề cập đến các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng tâm, cấp bách, Chương trình hành động của Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng quy định tiêu chí môi trường để lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển. Phân loại các dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ động phòng ngừa, kiểm soát nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Hoàn thiện quy định pháp luật, bổ sung đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với các dự án có tác động môi trường cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

Thực hiện phân vùng môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng môi trường sống, sinh thái và cảnh quan. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có quy mô xả thải lớn; yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, kết nối, truyền số liệu trực tiếp cho cơ quan quản lý môi trường.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý rác thải nhựa theo hướng hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm có chứa vi nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định hướng hội nhập, nâng cao chất lượng môi trường. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa việc đưa chất thải trái phép, công nghệ, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu vào nước ta.

Tập trung xử lý ngay ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn. Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí, đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu phí theo khối lượng chất thải phát sinh; thiết lập hệ thống thu gom, xử lý chất thải đồng bộ; tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn; kiểm soát và quản lý hiệu quả chất thải nguy hại, chất thải y tế. Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại các bãi thải xung quanh Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, không để người dân sinh sống tại khu vực lân cận bức xúc, khiếu kiện do ô nhiễm bãi thải gây ra.

Tống Minh

Bạn đang đọc bài viết Coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT - XH bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới