Thứ ba, 16/04/2024 13:17 (GMT+7)
Chủ nhật, 28/06/2020 13:00 (GMT+7)

Có nên xây dựng nhà ở cho công nhân theo mô hình condotel?

Theo dõi KTMT trên

Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà đề xuất ngoài việc nhà nước đầu tư thì có thể học tập, phát triển nhà ở cho công nhân theo mô hình condotel hiện nay.

Tại phiên thảo luận về chủ đề giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp thuộc Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2020, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến về thực tế và giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Chia sẻ những khó khăn phát triển nhà ở cho công nhân, ông Đỗ Đức Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô cho biết, mặc dù nhà ở xã hội đang phát triển tốt nhưng tỉ lệ nhà công nhân đang xây dựng cho khu công nghiệp còn rất thấp. Tương lai khi Việt Nam đón dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào và mở rộng sản xuất thì chắc chắn sẽ thiếu hụt rất nhiều.

Có nên xây dựng nhà ở cho công nhân theo mô hình condotel? - Ảnh 1
Chuyên gia đề xuất, phát triển nhà công nhân theo mô hình condotel du lịch hiện nay. Ảnh: Dân Việt

Cũng theo ông Đạt, rất khó để làm nhà công nhân, bởi khách hàng là công nhân nên sức mua và sức thuê của họ là rất thấp. Hơn nữa, hiện có 3 mô hình xây nhà ở công nhân: Nhà nước đầu tư - khu công nghiệp đầu tư - các nhà đầu tư. Nếu các chính sách không công bằng, thế yếu sẽ bị rơi vào những nhà đầu tư nhà công nhân, mặc dù rất muốn đầu tư nhưng lại gặp nhiều khó khăn.

Nếu không có sự kết nối công bằng, chia sẻ để người công nhân có thể thấy được lợi ích từ nhà ở công nhân thì sẽ rất khó để họ quyết định gắn bó với loại hình này", ông Đạt nói.

Còn đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục Trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, về hệ thống chính sách đối với nhà ở xã hội và nhà ở công nhân hiện có hành làng pháp luật đầy đủ như Luật Nhà ở và Nghị định 100. Nhưng kết quả nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Hưng, hiện nay, cả nước đạt 42%, phát triển 5,2 triệu m2 nhà ở. Nhà ở công nhân hoàn thành 28% so với nhu cầu 8,3 triệu m2. Kết quả chưa được cao vì mấy điểm sau:

Thứ nhất, trong quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100, có quy định về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Quy định xây dựng hạ tầng phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên chưa có nhiều địa phương thực hiện.

Thứ hai, nút thắt về nguồn vốn, người có thu nhập thấp, khách hàng chưa được tham gia vào vay vốn.

"Nguồn vốn Chính phủ dành ra phát triển nhà ở xã hội là rất ít. Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét cấp thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách và 2.000 tỉ đồng bù lãi suất để nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân", ông Hưng thông tin.

Bàn luận thêm về vấn đề nhà ở cho công nhân, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Kinh tế thừa nhận, với mức 1.000 tỉ đồng cho vay và 2.000 tỉ đồng để bù lãi suất chưa thực sự hỗ trợ được thị trường. Nhà ở cho công nhân đang ngày càng trở nên quan trọng. Công nhân trong khu công nghiệp về cơ bản có chất lượng cuộc sống, điều kiện đi lại chưa được hỗ trợ và cải thiện nhiều.

"Nếu chúng ta có chính sách hỗ trợ thì cần một chính sách thực sự chất lượng, đi đúng vào nhu cầu của họ. Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị rõ ràng cho một chính sách lớn dành cho công nhân trong các khu công nghiệp", ông Nghĩa nói.

Đồng tình với quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất hiện nay khi phát triển nhà ở cho công nhân là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, dẫn đến việc nguồn cầu chưa đủ lớn.

Để giải quyết bài toán làm thế nào để phát triển nhà ở cho công nhân, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, theo ông Hà, giải pháp căn cơ là cần tăng nguồn cung. Hiện nay đã có các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp chuyên đầu tư nhà ở. Tuy nhiên, 80% là những doanh nghiệp địa phương nhỏ lẻ, xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng điều kiện nhà ở chưa được tốt.

Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng được mô hình nhà ở cho công nhân phù hợp. Từ đó, ông Hà đề xuất có thể học tập, phát triển nhà ở cho công nhân theo mô hình condotel hiện nay. Mô hình này cho phép các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính hạn chế có thể tham gia vào đầu tư và phát triển nhà ở cho công nhân, ngoài nguồn thu từ việc cho thuê hàng tháng, các nhà đầu tư sơ cấp cũng có thể thu lợi khi bất động sản tại khu vực đó tăng giá.

Theo ông Hà lý giải phần lớn công nhân khu công nghiệp chỉ có nhu cầu thuê nhà, không có nhu cầu mua nhà. Ngoài ra, vấn đề về nguồn vốn có thể xem là bài toán khó hiện nay cho các nhà đầu tư, phát triển dự án nhà ở cho công nhân. Như vậy, nếu phát triển theo mô hình condotel, chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp và thực hiện quản lý, vận hành, cho thuê dự án.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Có nên xây dựng nhà ở cho công nhân theo mô hình condotel?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới