Thứ năm, 28/03/2024 22:44 (GMT+7)
Thứ ba, 27/09/2022 17:50 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về đề xuất EVN được tăng giá điện khi chi phí đầu vào tăng 1-5%?

Theo dõi KTMT trên

"Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn nắm giữ thế độc quyền ở khâu bán lẻ điện", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, bộ này đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Trong dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.

Cần có thị trường điện cạnh tranh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện giá điện luôn nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, thì những vấn đề liên quan đến giá điện lại càng phải lưu ý.

Theo vị chuyên gia kinh tế, tạm gác lại câu chuyện "trao quyền quyết định" cho EVN, điều mà ông quan tâm chính là việc phải có thị trường điện cạnh tranh. Thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước.

"Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn nắm giữ thế độc quyền ở khâu bán lẻ điện. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn, được quyền quyết định xem mua điện từ nhà cung cấp nào, với giá thành ra sao. Khi ấy, các nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Chuyên gia nói gì về đề xuất EVN được tăng giá điện khi chi phí đầu vào tăng 1-5%? - Ảnh 1
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế.

Ở một góc nhìn khác, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả - Bộ Tài chính) cho rằng, dự thảo cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

"Với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện thì tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh. Việc quyết định tăng giá điện phải có cơ quan giám sát độc lập, thỏa mãn các điều kiện theo quy định thì mới được điều chỉnh", ông Long nói.

PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận, EVN là đơn vị đang sản xuất, kinh doanh điện nên nếu giao quyền tự quyết giá điện cho doanh nghiệp dễ nảy sinh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần nhưng theo cơ chế thị trường.

EVN than khó

Tính toán của EVN hồi tháng 6 cho thấy, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng một kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019-2021 của các đơn vị phát điện). Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019.

Tại Hội thảo về phát triển năng lượng ngày 23/9, đại diện EVN đề xuất, cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo Quyết định 24/2017. Bởi lẽ, tập đoàn này đang đối mặt khó khăn lớn.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm, giá thành khâu phát điện (vốn chiếm tỷ trọng 82,45% trong cơ cấu giá), tăng quá cao vì giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào leo thang. Các chi phí đầu vào (giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường điện) trong khâu phát điện tăng vọt, tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát.

Chuyên gia nói gì về đề xuất EVN được tăng giá điện khi chi phí đầu vào tăng 1-5%? - Ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: EVN

Theo báo cáo tài chính 6 tháng của EVN, tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ trên 16.500 tỷ đồng do chi phí sản xuất điện tăng cao. Việc này tạo ra áp lực tăng giá điện rất lớn.

"Tập đoàn đã nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ, nhưng với các giải pháp trong nội tại vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm", đại diện EVN cho hay.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo được xây dựng nhằm thay thế Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, Bộ này đề xuất khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Căn cứ ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN sẽ quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ 1/10 của năm đó.

Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá và điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Sau khi điều chỉnh giảm hoặc tăng, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về đề xuất EVN được tăng giá điện khi chi phí đầu vào tăng 1-5%?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TKV phủ xanh bãi thải mỏ với 2.000 ha cây xanh
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tăng tốc thực hiện 'Xanh hóa môi trường khai thác mỏ', xây dựng tiêu chí 'Nhà máy trong công viên'. TKV đã trồng hơn 2.000 ha cây xanh trên bãi thải mỏ và riêng vùng Quảng Ninh trên 1.800 ha.
Trụ sở Techcombank đạt chứng nhận LEED Vàng về công trình xanh
Trụ sở Techcombank số 6 Quang Trung, Hà Nội và tòa nhà hội sở 23 Lê Duẩn, TP.HCM vừa được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng chỉ LEED Vàng. Để đạt được tiêu chuẩn này các công trình phải đáp ứng được 9 tiêu chí khắt khe nhất của USGBC.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.