Chuyên gia chỉ điểm bất thường sau những vụ đấu giá mỏ cát cao kỷ lục (Bài 7)
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ sự lo ngại về việc một số đơn vị, cá nhân lợi dụng hoạt động đấu giá để thực hiện động cơ, mục đích cá nhân, hoặc nhằm thao túng giá, gây nhiễu loạn thị trường vật liệu xây dựng.
Thời gian qua, hoạt động đấu giá tài sản liên tiếp ghi nhận tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường rồi không nộp tiền trúng đấu giá, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động này.
Mới đây, Sở TN&MT Hà Nội thông tin đã hoàn thành việc tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn. Các mỏ cát đều được đấu giá thành công với mức cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm.
Cụ thể, mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) có giá khởi điểm 19,2 tỷ đồng được đấu giá thành công với giá 883 tỷ đồng - cao gấp 45 lần giá khởi điểm; Mỏ cát Châu Sơn (huyện Ba Vì) giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 397 tỷ đồng - cao gấp 141 lần giá khởi điểm; Mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có giá trúng đấu giá 408 tỷ đồng - cao gấp 200 lần so với giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng. Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá là gần 1.700 tỷ đồng.
Đối với 3 mỏ cát tại Hà Nội vừa được tổ chức đấu giá, vẫn đang trong thời gian chờ cơ quan thuế ra thông báo đơn vị trúng thầu thực hiện nghĩa vụ thuế. Song, nhiều ý kiến cho rằng rất có thể các đơn vị, cá nhân trúng thầu sẽ bỏ cọc. Bởi lẽ, giá trúng thầu đã vượt xa so với giá trị thị trường vốn có của những mỏ cát này.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Chuyên gia kinh tế) cho rằng, câu chuyện trả giá cao bất thường trong quá trình đấu giá để trúng đấu giá rồi bỏ cọc không phải mới. Trước đây là vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, sau đó là đấu giá biển số xe và gần đây nhất là đấu giá mỏ cát tại Hà Nội.
Rõ ràng, có những bất cập tồn tại trong hoạt động tổ chức đấu giá hiện nay, song việc đấu giá đều phải tuân thủ Luật Đấu giá tài sản. Trong khi đó, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định, người bỏ trúng đấu giá chỉ mất tiền cọc trước đó. Do vậy, tình trạng trả giá thật cao rồi bỏ trúng đấu giá liên tục diễn ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của hoạt động này.
"Với vụ đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội gần đây, các mỏ cát đều được đấu giá thành công với mức cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm. Theo như một số tính toán, với mức giá trúng đấu giá đó, giá cát có thể lên đến 800.000 đồng/ mét khối, chưa bao gồm các chi phí liên quan.
Khi mà giá cát cao hơn rất nhiều lần so với giá thị trường như vậy thì bán cho ai?!. Mặc dù các đơn vị, cá nhân trúng đấu giá vẫn đang trong thời gian hoàn thành nghĩa vụ sau đấu giá, song tôi khẳng định chắc chắn những đơn vị, cá nhân này sẽ chấp nhận mất tiền cọc, và từ bỏ quyền trúng đấu giá.
Cá nhân tôi và một số người có bàn luận về việc, làm sao để hạn chế tình trạng đấu giá cao bất thường để trúng đấu giá rồi bỏ cọc. Trong đó, chúng tôi cũng nghĩ đến việc đưa ra một số cơ chế, chế tài nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trúng đấu giá. Tuy nhiên, khi xét lại thì khó có thể thực hiện những biện pháp cứng rắn đó bởi những quy định trong Luật Đấu giá tài sản.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện tại, việc duy nhất mà các đơn vị tổ chức đấu giá có thể làm là đưa ra khoản tiền cọc hợp lý, không quá thấp để các đơn vị, cá nhân dễ dàng bỏ cọc, không quá cao để làm khó các đơn vị, cá nhân tham dự đấu giá", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Vị chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự lo ngại về việc một số đơn vị, cá nhân lợi dụng hoạt động đấu giá để thực hiện động cơ, mục đích cá nhân, hoặc nhằm thao túng giá, gây nhiễu loạn thị trường vật liệu xây dựng.
"Giống như việc đấu giá đất, khi một mảnh đất đem ra đấu giá được đẩy lên cao sẽ khiến giá đất ở xung quanh mảnh đất đó tăng theo. Thị trường vật liệu xây dựng cũng vậy, với cái cớ đấu giá mỏ cát với giá cao, vô hình đẩy giá cát trên thị trường tăng theo, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, làm xáo trộn thị trường", ông Thịnh phân tích.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh hi vọng rằng, tình trạng đấu giá cao bất thường để trúng đấu giá rồi bỏ cọc sẽ giảm bớt khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, bổ sung thẩm quyền của đơn vị, cá nhân có tài sản đấu giá. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý để hạn chế những tồn tại trong công tác đấu giá.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã tiếp thu nhiều ý kiến, rà soát các quy định liên quan đến điều kiện của người tham gia đấu giá, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định về các điều kiện riêng, đặc thù về người tham gia đấu giá của các luật chuyên ngành.
Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trong đó bổ sung thẩm quyền của người có tài sản trong việc xét duyệt yêu cầu, điều kiện của người tham gia đấu giá, nhất là điều kiện về năng lực tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người tham gia đấu giá, người có tài sản, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản… Từ đó kỳ vọng sẽ ngày càng hạn chế tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Rà soát kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Công điện nhấn mạnh, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Còn nữa
Thiện Tâm