Chuyên gia cảnh báo về sự tăng trưởng nóng của trái phiếu bất động sản
Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Bộ Xây dựng cảnh báo
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu (thống kê của SSC và HNX), trong Quý 1/2022, có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng GTPH) và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng (chiếm 21,91% tổng GTPH).
Kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 21,9% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành).
Nhóm Bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.
Bộ Xây dựng cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường:
Thứ nhất, lượng phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu;
Thứ hai, kỳ hạn phát hành ngắn (từ 3 – 5 năm) đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản huy động để triển khai dự án (thời gian triển khai dự án thường dài hơn, trên 5 năm);
Thứ ba, tài sàn đảm bảo là các bất động sản, dự án trong khi công tác định giá tài sản đảm bảo có thể không sát với giá thực tế (định giá cao hơn giá trị thực).
Để chấn chỉnh, Bộ Xây dựng kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Siết chặt quản lý
Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, thời gian gần đây, trái phiếu doanh nghiệp đang dần trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả. Tuy vậy, việc phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp "ba không" đang để lại nhiều hệ lụy, nếu không được chấn chỉnh có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tiềm ẩn rủi ro đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản", ông Thịnh nói.
Theo vị chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của thị trường trái phiếu là tín hiệu khả quan, cho thấy đây có thể là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo chiếm trên 49% rất đáng lo ngại.
Khi nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp đồng nghĩa họ phải chịu rủi ro với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt hoặc phá sản, các nhà đầu tư sẽ mất vốn và gây tác động đến thị trường trái phiếu, nền kinh tế.
"Khi mà rủi ro xảy ra, sau này những trái chủ không dám mua trái phiếu nữa thì thị trường không có đất phát triển. Nguy hiểm hơn, nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, có thể tạo ra làn sóng các nhà đầu tư đòi trả lại trái phiếu của các doanh nghiệp khác, gây xáo trộn thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và thị trường tài chính tiền tệ và có thể tạo ra khủng hoảng kinh tế rất lớn trong thời gian tới đây", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, phát hành trái phiếu nhưng không có tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán cho thấy chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đang ở mức báo động.
Theo ông Long, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng chưa đảm bảo yếu tố minh bạch và thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi. Ngoài ra để bán được trái phiếu, các doanh nghiệp phát hành thường đưa ra lãi suất từ 12 - 14%. Điều này không chỉ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế, bởi nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến mất khả năng chi trả, hậu quả khi đó thật khó lường.
"Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thua lỗ nhưng vẫn rầm rộ phát hành trái phiếu, hầu hết là trái phiếu “ba không”. Đáng nói, dù doanh nghiệp huy động cả trăm, ngàn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát số tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng đúng mục đích không… Do đó việc siết chặt quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, đây sẽ là khối u nhọt mới của nền kinh tế", PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Hoàng Hải