Chuyên gia cảnh báo chiêu trò lừa đảo của sàn Forex
Nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam đang tham gia các sàn ngoại hối hay CFD. Chính vì điều này, nhiều sàn Forex đã nở rộ như “nấm sau mưa” và kéo theo đó là nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nhiều khách hàng vẫn bị "nuốt tiền" trên sàn Forex
Với sự phát triển của công nghệ, thị trường giao dịch ngoại hối (Forex) trên thế giới hiện nay cho phép các tổ chức, cá nhân được quyền tham gia vào mạng lưới giao dịch toàn cầu này thông qua một chủ thể trung gian, đó là các nhà môi giới hay sàn Forex... Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Theo đó, ngoài các tổ chức trên, kinh doanh ngoại hối là một lĩnh vực chưa được pháp luật cho phép và tại Việt Nam cũng chưa được phép mở các sàn Forex.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối. Do đó, mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch tại sàn Forex sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo pháp luật hiện hành, những người tham gia giao dịch là vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối và không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp, xung đột xảy ra. Với hoạt động Forex, những người tham gia đầu tư trái phép còn có thể bị phạt hành chính từ 10 - 30 triệu đồng về hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ theo Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ. Tại khoản 8 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định hành vi môi giới ngoại hối khi không được cấp thẩm quyền cấp giấy phép thì bị phạt hành chính từ 200 - 250 triệu đồng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, qua sự việc cơ quan chức năng liên tục triệt phá sàn giao dịch trái phép, lừa đảo vừa qua cho thấy, số người mà chơi tham gia vào các sàn giao dịch trái phép rất lớn với số tiền khổng lồ. Đáng quan ngại là nhóm đối tượng thực các giao dịch hiện nay chủ yếu hoạt động trên môi trường internet. Tất cả những giao dịch đều thực hiện trên mạng lưới điện toán toàn cầu, dễ dàng lẩn trốn, xoá dấu vết khiến cho các cơ quan chức năng khó khăn trong việc điều tra xử lý những sai phạm này.
Dù đã được đưa ra nhiều cảnh báo như thế, nhưng vẫn không ít khách hàng vẫn "mắc bẫy" của sàn Forex rồi nhiều câu chuyện đau lòng theo kiểu tiền mất tật mang cũng đã xuất hiện. Mới đây, chia sẻ với báo chí, anh L.Q.P trú tại Đà Nẵng cho biết, anh có tham gia giao và có nạp gần 10.000 USD vào sàn này. Đến ngày 27/5/2022, sàn Tifia gửi email thông báo ngừng cung cấp dịch vụ vào ngày 30/5/2022 và yêu cầu tất cả khách hàng rút tiền, sau đó sẽ xử lý toàn bộ lệnh rút tiền trước ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi 1 tháng, anh P. có liên hệ với đội ngũ Support sàn nhưng không được hỗ trợ xử lý lệnh, sàn liên tục bảo khách hàng chờ. Đến ngày 29/6/2022 thì sàn gửi thông báo tiếp theo gia hạn thời gian xử lý lệnh rút tiền đến ngày 31/07/2022. Đến nay, anh vẫn chưa nhận được tiền từ sàn này như thông báo trước đó.
Tương tự anh P., chị NT.H và anh N.X.H cũng được nhân viên sàn Tifia mở tài khoản. Tiếp đó, chị Hằng đã nạp 7.947 USD vào tài khoản ID 6234064 và anh H. nạp 7.034 USD vào tài khoản ID 6231257. Sau khi nạp tiền vào tài khoản, anh chị nhận được thông báo của sàn Tifia gửi email thông báo ngừng cung cấp dịch vụ vào ngày 30/5/2022 và yêu cầu khách hàng rút tiền, sau đó sẽ xử lý toàn bộ lệnh rút tiền trước ngày 30/6/2022. Thế nhưng từ đó đến nay, chị H. và anh H. vẫn chưa nhận lại được số tiền trên.
Anh L.X.H cũng phản ánh trường hợp trên, anh H. cho biết: Anh H. mở tài khoản tại sàn Tifia qua ID 6293489. Sau đó, anh đã nạp 23.181 USD vào ID trên và giao dịch có lời. Anh H. đã đặt lệnh rút tiền và cũng nhận được thông báo của sàn Tifia như các khách hàng trên. Bức xúc và mong muốn nhận được lời giải thích, anh đã liên hệ với phía sàn Tifia nhiều lần nhưng không được.
Ai đang điều hành sàn Tifia tại Việt Nam?
Theo các “nạn nhân” của sàn Tifia cho biết, các tài khoản nhận tiền của sàn này đa phần là tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân hoặc tài khoản cá nhân. Cụ thể, các khách hàng trên đã nạp vào các số tài khoản của ngân hàng Techcombank mang tên - BIEP BICH PHUONG COMPANY LIMITED - STK: 19036776241011; CTY TNHH DAU TU THUONG MAI LE SAM - STK: 19037233494013; CTY TNHH DAU TU THUONG MAI HUY CHUONG - STK: 19037990484017; NGUYEN THI QUYNH ANH - STK: 19032546935019; CTY TNHH DAU TU THUONG MAI VAN THO - STK: 19038018199015 và STK: 2273417 - Chủ tài khoản TA TIEU LINH - Vietbank.
Theo thông tin Công ty TNHH đầu tư thương mại Huy Chương có mã số thuế: 0317067772 và địa chỉ công ty đặt tại địa chỉ: 436A Đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng khi PV đến địa chỉ trên thuộc Công ty TNHH MTV Phổ Đình.
Theo phản ánh của một số nhà đầu tư, người đứng sau sàn Tifia tại Việt Nam là vợ chồng Đ.H.Q và P.T.T.T có hộ khẩu thường trú tại Quận 7. TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Q. và T. cũng đang điều hành một Công ty có liên quan đến tài chính.
Minh Anh