Chủ nhật, 27/10/2024 03:36 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/10/2024 21:53 (GMT+7)

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại”

Theo dõi KTMT trên

Đó là nhận định được các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chuyển đổi xanh trong bối cảnh biến đổi toàn cầu năm 2024” diễn ra vừa qua.

Hội thảo do Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì, phối hợp các đơn vị đồng hành: Tạp chí Kinh tế Môi trường, Green Tech và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF - VINBIGDATA).

Hội thảo diễn ra trong 02 ngày (24-25/10/2024) tại Hà Nội và Ninh Bình với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa trong bối cảnh khí hậu thế giới ngày càng bị biến đổi trầm trọng, các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên trong nước và thế giới, thuộc các lĩnh vực địa chất, môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn:  Giáo sư, Tiến sĩ Kiril Al. Anguelov - Trường Đại học Mỏ và Địa chất St. Ivan Rilski, Sofia, Bulgaria; Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận - Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học - ĐHQGHN, Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Obid Tursunov đã làm việc với tư cách là học giả, chuyên gia quốc tế hàng đầu; Tiến sĩ Michiel van Dijk, là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Wageningen, Hà Lan; Giáo sư Dương Đức La làm việc tại Viện Hóa học và Vật liệu, Hà Nội; Giáo sư - Tiến sĩ Rizalinda L. de Leon, Ph.D., FAAET, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Kỹ thuật, Đại học Quốc gia Philippines Diliman, thành phố Quezon, Philippines; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung là Giám đốc Học viện Dân tộc Việt Nam và là giáo sư tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Nguyên: Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng; GS.TS Hoàng Xuân Cơ- Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam...

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều cơ quan báo chí, nhà khoa học, doanh nghiệp trên cả nước.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 1
Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khí hậu, môi trường.

Việt Nam cần làm gì để theo kịp cuộc đua chuyển đổi xanh?

Hội thảo không chỉ là một diễn đàn khoa học liên ngành mà còn là cầu nối để chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, các chính sách và kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, bền vững.

Chủ đề của hội thảo "Chuyển đổi xanh trong bối cảnh biến đổi toàn cầu" nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm kiếm những giải pháp mới, linh hoạt và sáng tạo để giải quyết các thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Những đóng góp của Hội thảo góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một tương lai bền vững hơn cho các thế hệ mai sau, nơi con người và thiên nhiên có thể cùng tồn tại và phát triển hài hòa.

Tại phiên toàn thể, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn trong giáo dục; Việc tổ chức Hội thảo chuyển đổi xanh là hành động tất yếu nhằm làm rõ thực trạng, thách thức và giải pháp cho việc ứng phó với tác động của Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, “đây cũng là những bước đầu tiên để Nhà trường hướng tới mục tiêu đưa Hội thảo Chuyển đổi xanh thành một hội thảo thường niên, trong đó sẽ tập trung xem xét xu hướng chuyển đổi xanh như một thực hành quản lý về chính sách cũng như một hướng tiếp cận khoa học mang tính ứng dụng theo quan điểm liên ngành”. PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 2
Quang cảnh hội thảo diễn ra ngày 24/10 tại Hà Nội.

Cũng tại phiên toàn thể, Giáo sư người Ấn Độ - Sadhan Kumar Ghosh, Giám đốc điều hành chung của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững và Kinh tế Tuần hoàn, Hiệp hội Quốc tề về Quản lý Chất thải, Không khí và Nước (ISWMAW) đã chỉ ra rằng, những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Vì thế, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc chuyển đổi xanh cũng sẽ làm cho nhân loại mất đi cơ hội được sống trong một hành tinh xanh, sạch và bền vững.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 3
GS. Sadhan Kumar Ghosh đã có những đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học về xử lý chất thải.

Sau khi đi sâu vào phân tích cụ thể về tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu trên khắp toàn cầu hiện nay, bà Rizalinda L. de Leon, Giáo sư, Tiến sĩ người Philippines, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Cao đẳng Kỹ thuật, Đại học Philippines Diliman (University of the Philippines Diliman - UDP) đã đề cao sự cấp thiết của nhiệm vụ giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). GS.TS Rizalinda L. de Leon khẳng định, đó không chỉ là mệnh lệnh về môi trường mà còn là mệnh lệnh về xã hội.

Hiện nay, các chiến lược hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 như chuyển đổi xanh - chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Chiến lược chủ đạo này có thể giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, áp dụng phương pháp bền vững hơn để từ đó xây dựng lộ trình hướng tới một tương lai xanh, sạch và lâu bền cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, GS.TS Rizalinda L. de Leon cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà thế giới đang loay hoay mãi trong “mớ bòng bong” chuyển đổi xanh từ chi phí kinh tế đến rào cản về công nghệ và nhu cầu hợp tác toàn cầu.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 4
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên: Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, phát biểu về cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh.

Với một nền kinh tế sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay, thì việc việc chuyển đổi xanh chính là cơ hội lịch sử và thách thức sống còn của nhân loại.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thách thức của thời đại hiện nay chính là việc tích hợp 3 quá trình: chuyển đổi thị trường, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là một yêu cầu khó khăn với điều kiện thực thi khắt khe và tính bất khả thi cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, rõ ràng so với các quốc gia phát triển khác trên thế giới, Việt Nam có xuất phát điểm thấp yếu và tụt hậu hơn nhiều. Chưa kể, quy trình chuyển đổi kinh tế thị trường vẫn còn chưa hoàn thành. Nền kinh tế vẫn còn nhiều nguy cơ và thách thức.

Vì thế, việc chuyển đổi từ “khát vọng nâu” sang “khát vọng xanh” đòi hỏi Việt Nam phải có những cách tiếp cận mới để tránh nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua chuyển đổi xanh toàn cầu. Và những nguyên tắc tiếp cận mới để Việt Nam có thể hiện thực hóa được giấc mơ “phát triển xanh”, biến nền “kinh tế nâu” thành nền “kinh tế xanh”, trước tiên, đó là cần xác định các thách thức cấp quốc gia ở đúng tầm, đúng sức. Sau đó mới là bước áp dụng các nguyên tắc tiếp cận cụ thể.

Với các nguyên tắc tiếp cận mới, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đặc biệt nêu rõ như sau: biến thách thức quốc gia thành cơ hội doanh nghiệp và lợi ích xã hội; sử dụng sức mạnh cộng hưởng giữa toàn cầu với dân tộc, giữa nhà nước với doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; trao quyền, tạo điều kiện, chịu trách nhiệm, khuyến khích người chiến thắng; chế tài quốc gia, đồng thuận dân tộc, trụ cột doanh nghiệp, động lực trí tuệ.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 5
Phóng viên Mai Chi - Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường phỏng vấn Giáo sư người Ấn Độ - Sadhan Kumar Ghosh bên lề Hội thảo.

Trong quá trình phát triển xanh, chuyển đổi xanh, những nhiệm vụ cần được Việt Nam ưu tiên phải kể tới các tiêu chuẩn, hệ giá trị sống xanh; các thể chế phục vụ và hỗ trợ phát triển xanh. Ngoài ra, nhiệm vụ xanh hóa cơ cấu kinh tế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và đô thị hóa theo định hướng xanh và thông minh cũng được ưu tiên.

Để thực hiện được nhiệm vụ xanh hóa nền kinh tế, những ưu tiên cho ngành năng lượng sạch, nông sinh thái xanh, lâm nghiệp xanh, giao thông xanh, du lịch lịch xanh, giáo dục - y tế xanh, thị trường tín chỉ carbon, tín dụng xanh… là không thể thiếu.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 6
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng có mặt trong buổi hội thảo để trao đổi thông tin, kiến thức về chuyển đổi xanh.

Cuối cùng, để quy trình chuyển đổi xanh được diễn ra trơn tru, mượt mà và theo đúng lộ trình, việc giáo dục nhận thức và tuyên truyền về biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh cho từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là điều hết sức cơ bản và quan trọng. Chỉ khi mỗi người trong chúng ta nhận thức được rõ ý nghĩa của quá trình chuyển đổi xanh thì việc thực thi mới sớm trở thành hiện thực và hành trình đến với Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 năm 2050 mới gần thêm một bước.

Là một thách thức lớn, chuyển đổi xanh được coi như “bước nhảy sinh tử của thời đại”, là "mệnh lệnh sống". Toàn cầu bao gồm các cấp từ quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp cho tới mỗi cá nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải cam kết thực hiện.

Để những cam kết về chuyển đổi xanh trở thành hành động, thế giới phải cùng thống nhất về tiêu chuẩn, điều luật cũng như các phương pháp. Hơn nữa, toàn cầu cùng phải quyết liệt hành động trên nền tảng liên kết, cạnh tranh và vận hành theo chuỗi.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 7
TS. Marcos Esau Dominguez Viera, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Đại học Wageningen, Hà Lan trình bày báo cáo về quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam.

Trong bài báo cáo về quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực ở Việt Nam, TS. Marcos Esau Dominguez Viera Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Đại học Wageningen, Hà Lan đã nêu lên được thực trạng của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và ngành lương thực nói chung. Với thói quen ăn uống thiếu lành mạnh của phần lớn người dân và lượng phát thải lớn từ trồng lúa, hệ thống lương thực của Việt Nam đang không có điều kiện để đạt tiêu chuẩn bền vững.

Là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lớn mạnh, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn về xã hội và môi trường nếu như không có những hành động ngăn chặn từ bây giờ. Cụ thể như phải phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, áp lực về đất đai và khí thải nhà kính.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 8

Thay vì đưa ra những gợi ý chung chung, GS. Sadhan Kumar Ghosh đã đưa ra hệ thống module đào tạo nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các trường học bao gồm: tình trạng khai thác tự nhiên, biến đổi khí hậu và thay đổi mô hình tiêu dùng; phân loại rác thải từ rác thải sản xuất, rác thải điện tử, rác thải nhựa tới các loại rác thải thực phẩm; hậu quả của rác thải đối với môi  trường, con người, biển và động vật; thay đổi tư duy từ thói quen vứt rác sang văn hóa thùng rác…

Bên cạnh những vấn đề vĩ mô, GS.TS Rizalinda L. de Leon cũng không quên đề cập tới việc thay đổi hành vi, thói quen từ cá nhân - mỗi hạt giống của xã hội. Đơn giản chỉ là việc thay đổi chế độ ăn uống như giảm tiêu thụ thịt, ăn chế độ thuần thực vật để giảm lượng khí thải metan từ chăn nuôi; hay như tiết kiệm điện khi không cần thiết, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện để giảm lượng khí thải carbon từ ngành năng lượng. Đặc biệt, thói quen tái chế và tiêu dùng bền vững cũng góp phần làm giảm lượng khí thải carbon toàn cầu.

Những phiên thảo luận sôi nổi, bàn giải pháp "từ nâu sang xanh"

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 9
Chuyển đổi xanh là chìa khóa giúp Việt Nam hướng tới Net Zero 2050 nhanh nhất.

Bên cạnh những vấn đề về thực trạng, hội thảo đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế mà các quốc gia đang làm thành công trong quá trình chuyển đổi xanh thông qua 8 phiên thảo luận, diễn ra trong cả ngày 24/10, với các nội dung chính bao gồm: 

Phiên I, Chính sách, quản lý và kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh: Đề cập đến những thách thức và cơ hội trong việc chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cũng như các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn.

Phiên II, Chuyển đổi xanh trong bối cảnh chuyển đổi số: Sự tích hợp giữa công nghệ số và chuyển đổi xanh sẽ là chủ đề trung tâm. Những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công-nông nghiệp, cũng như việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục số sẽ được thảo luận, nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và bảo vệ môi trường.

Phiên III, Giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng: Thảo luận về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo. Các nghiên cứu trường hợp từ nhiều quốc gia sẽ chỉ ra những mô hình thành công và các phương pháp kỹ thuật hiệu quả.

Phiên IV, Thảm họa, môi trường và biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống và môi trường sinh thái, phiên này tập trung vào đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp thích ứng tại các khu vực đô thị, nông thôn, miền núi và các vùng dân cư ven biển tại Việt Nam.

Phiên V, Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn: Các bài viết trong phiên này phân tích các mô hình kinh tế chia sẻ, tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Những thách thức trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam được thảo luận, nhằm tìm ra các giải pháp khả thi.

Phiên VI, Vật liệu thân thiện với môi trường và công nghệ các-bon thấp: Các nghiên cứu về vật liệu xây dựng từ đất sét tự nhiên và công nghệ xử lý chất thải sẽ được chia sẻ, phản ánh sự phát triển của các công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Phiên VII, Sinh thái nông nghiệp và hệ thống thực phẩm bền vững: Những nghiên cứu về nông nghiệp và tác động của môi trường, thực phẩm, đến hành vi tiêu dùng sẽ giúp mở rộng hiểu biết về cách mà thực phẩm có thể được sản xuất và tiêu thụ một cách bền vững.

Phiên VIII, Văn hóa, giáo dục và truyền thông về chuyển đổi xanh: Phiên thảo luận này nhằm tìm hiểu vai trò của giáo dục và truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, bao gồm cả sự tham gia của các cộng đồng địa phương và các chiến lược giáo dục để thúc đẩy các hành động bền vững. 

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 10
Nhóm thành viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo.

Thông qua các phiên thảo luận, Hội thảo đã bao quát, đề cập khá toàn diện các vấn đề của Chuyển đổi xanh nhằm chuyển tải ba thông điệp quan trọng gồm: 

Chuyển đổi xanh là xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việt Nam đã xác định chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính và con đường ngắn nhất để phát triển kinh tế bền vững. Điều này được khẳng định rõ nhất với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Hai là, chuyển đổi xanh là quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì, chủ động tích cực của toàn xã hội. Trong quá trình Chuyển đổi xanh, Việt Nam đối diện nhiều thách thức, đặc biệt về vốn đầu tư, công cụ pháp lý và triển khai thực tế hiệu quả, hiệu suất. Nhưng trong dài hạn, những thành quả gặt hái được từ Chuyển đổi xanh sẽ đưa chúng ta lên một tầm cao mới của một xã hội văn minh về sản xuất, tiêu dùng hiệu quả và bền vững.

Cuối cùng, chuyển đổi xanh yêu cầu phải có tư duy đổi mới và sáng tạo trong cách làm, trong cách thức thực hiện, có thể chế đột phá, thí điểm, phải dựa vào ứng dụng công nghệ mới, phát triển các mô hình mới, sáng tạo trong huy động nguồn lực và phải gắn với liên kết và phối hợp, kể cả hợp tác quốc tế. Tất cả các tầng lớp xã hội cần phải vào cuộc ngay, phải chung tay, phối hợp để cùng đóng góp cho quá trình chuyển đổi xanh này nhanh và hiệu quả, giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 11
Ngày 25/10 là chuyến đi thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học tới Di sản Thế giới UNESCO - "Quần thể danh thắng Tràng An", Ninh Bình.

Bên cạnh các phiên thuyết trình, hội thảo còn tổ chức các hoạt động giao lưu, đi thực tế, tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu và sinh viên chia sẻ ý tưởng, xây dựng mạng lưới hợp tác trong tương lai. Đặc biệt, Hội thảo nhận được sự quan tâm đồng hành từ các đơn vị: Tạp chí Kinh tế Môi trường và GreenTech; Đồng thời được tài trợ bởi Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF - VINBIGDATA), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp cho phát triển quốc tế (CIRAD), Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT), Công ty CP KORO… từng bước tạo nên mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học, xã hội, truyền thông với cơ quan quản lý, báo chí và doanh nghiệp.

Tất cả các bài viết tham dự Hội thảo sẽ được đăng ở hai nguồn uy tín: Kỷ yếu tại NXB Taylor & Francis và Tạp chí quốc tế Quản lý chất thải rắn (Q4), đây cũng là một cách để đơn vị tổ chức tri ân các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp ý kiến, xây dựng Hội thảo và lưu trữ các giá trị khoa học trong công tác chuyển đổi xanh.  

Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 12
Khách mời check-in tại quầy lễ tân của hội thảo.
Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại” - Ảnh 13
Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Đại học Wageningen, Hà Lan.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi xanh: “Mệnh lệnh sống, bước nhảy sinh tử của thời đại”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bình Thuận và Đồng Nai xúc tiến phát triển du lịch
Tại “Tuần lễ Du lịch Bình Thuận 2024” đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến du lịch Đồng Nai tại Bình Thuận, đây là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hai tỉnh kết nối, khơi dậy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững.