Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu trong phát triển kinh tế
Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Mới đây, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Hội Tự động hóa Việt Nam; Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đã tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số và Tự động hóa trong phát triển kinh tế số".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA cho biết, hiện nay khái niệm chuyển đổi số đã trở nên phổ biến, lan tỏa trong toàn xã hội. Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
TSKH. Phan Xuân Dũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, chính quyền địa phương cùng tham gia trao đổi có những đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, các giải pháp chuyển đổi số toàn diện, và đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; liên kết, kết nối cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiêp; hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế số.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bùi Thế Duy khẳng định, chuyển đổi số là quá trình lâu dài và không có điểm kết thúc. Hiện nay chuyển đổi số không chỉ là động lực mà là bắt buộc để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều phải đối mặt với nhiều thách thức.
Đối với cơ quan quản lý thì nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số rất khó khăn; vấn đề bảo mật an toàn thông tin đây là thách thức chung của doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước. Trước đây chúng ta sử dụng nhiều văn bản giấy tờ và lúc nào cũng có bảo vệ để “canh cổng” nhưng nay chỉ 5 phút cũng có thể mất toàn bộ dữ liệu đã được số hóa trên môi trường internet.
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi còn phức tạp hơn, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp; thay đổi quy trình sản xuất, mà muốn thay đổi phải nâng cấp đổi mới máy móc, phải tự động hoá để kết nối máy móc; cuối cùng là thay đổi tư duy của người quản lý nhất là quyết tâm của người đứng đầu mới quyết định cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đó chuyển đổi số thành công.
"Người số một mới là quan trọng, người số hai không có tác dụng. Phó giám đốc có là chuyên gia chuyên gia công nghệ, có say sưa đến đâu nếu Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT không thấy cần thiết, không thay đổi tư duy thì người số hai không làm được gì", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là máy móc, giải pháp công nghệ, nếu vẫn là sản phẩm đầu ra cũ thì không đạt được mục tiêu. Chúng ta bắt buộc phải tạo ra tư duy thay đổi sản phẩm mới, sản phẩm gốc nguyên bản rất khó cạnh tranh.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam – TS. Nguyễn Quân cho rằng, chưa bao giờ nền kinh tế của chúng ta đứng trước thách thức và khó khăn như hiện nay. Để vượt qua thách thức đó, đầu tiên phải đổi mới và cải cách thể chế để tránh làm thì bị sai, sợ sai, hoặc tốn kém nguồn lực. Đối với Chương trình chuyển đổi số quốc gia Nhà nước cần khẩn trương xây dựng hệ thống luật pháp cho chuyển đổi số trong đó có cơ sở dữ liệu. Bởi thể chế là bước đi đầu tiên, không thể mỗi địa phương làm một cách rồi lúc có thể chế lại làm lại từ đầu.
"Hiện nay mỗi địa phương làm một cấu trúc định dạng khác nhau thì khi tích hợp lên cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ không đồng bộ, toàn bộ công sức địa phương đó là bỏ đi. Sau xây dựng cơ sở dữ liệu là phải có hạ tầng, tạo ra ứng dụng nền tảng công nghệ số, để chuyển đổi số thực sự hiệu quả đi vào đời sống giúp phát triển kinh tế, xã hội đất nước", Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam – TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.
PV