Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hành trình Việt Nam hướng tới Netzero 2050
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thách thức của thời đại hiện nay đối với doanh nghiệp chính là việc tích hợp 3 quá trình: Chuyển đổi thị trường, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Đại hội XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Trong định hướng chuyển đổi số năm 2024, Chính phủ đã lựa chọn phát triển kinh tế số dựa trên 4 trụ cột chính: Công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.
Đặc biệt, với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và tăng cường thu hút vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh… tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, coi đây giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn, với mục tiêu không ngừng mở rộng kinh tế xanh đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phát biểu một ý rất hay. Ông cho rằng, thách thức của thời đại hiện nay chính là việc tích hợp 3 quá trình: Chuyển đổi thị trường, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là một yêu cầu khó khăn với điều kiện thực thi khắt khe và tính bất khả thi cao. PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, rõ ràng so với các quốc gia phát triển khác trên thế giới, Việt Nam có xuất phát điểm thấp yếu và tụt hậu hơn nhiều. Chưa kể, quy trình chuyển đổi kinh tế thị trường vẫn còn chưa hoàn thành. Nền kinh tế vẫn còn nhiều nguy cơ và thách thức.
Vì thế, việc chuyển đổi từ “khát vọng nâu” sang “khát vọng xanh” đòi hỏi Việt Nam phải có những cách tiếp cận mới để tránh nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua chuyển đổi xanh toàn cầu. Và những nguyên tắc tiếp cận mới để Việt Nam có thể hiện thực hóa được giấc mơ “phát triển xanh”, biến nền “kinh tế nâu” thành nền “kinh tế xanh”, trước tiên, đó là cần xác định các thách thức cấp quốc gia ở đúng tầm, đúng sức. Sau đó mới là bước áp dụng các nguyên tắc tiếp cận cụ thể.
Với các nguyên tắc tiếp cận mới, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đặc biệt nêu rõ, cần biến thách thức quốc gia thành cơ hội doanh nghiệp và lợi ích xã hội; sử dụng sức mạnh cộng hưởng giữa toàn cầu với dân tộc, giữa nhà nước với doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; trao quyền, tạo điều kiện, chịu trách nhiệm, khuyến khích người chiến thắng; chế tài quốc gia, đồng thuận dân tộc, trụ cột doanh nghiệp, động lực trí tuệ.
Trong quá trình phát triển xanh, chuyển đổi xanh, những nhiệm vụ cần được Việt Nam ưu tiên phải kể tới các tiêu chuẩn, hệ giá trị sống xanh; các thể chế phục vụ và hỗ trợ phát triển xanh. Ngoài ra, nhiệm vụ xanh hóa cơ cấu kinh tế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và đô thị hóa theo định hướng xanh và thông minh cũng được ưu tiên.
Để thực hiện được nhiệm vụ xanh hóa nền kinh tế, những ưu tiên cho ngành năng lượng sạch, nông sinh thái xanh, lâm nghiệp xanh, giao thông xanh, du lịch lịch xanh, giáo dục - y tế xanh, thị trường tín chỉ carbon, tín dụng xanh… là không thể thiếu. Cuối cùng, để quy trình chuyển đổi xanh được diễn ra trơn tru, mượt mà và theo đúng lộ trình, việc giáo dục nhận thức và tuyên truyền về biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh cho từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là điều hết sức cơ bản và quan trọng. Chỉ khi mỗi người trong chúng ta nhận thức được rõ ý nghĩa của quá trình chuyển đổi xanh thì việc thực thi mới sớm trở thành hiện thực và hành trình đến với Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 năm 2050 mới gần thêm một bước.
Để những cam kết về chuyển đổi xanh trở thành hành động, thế giới phải cùng thống nhất về tiêu chuẩn, điều luật cũng như các phương pháp. Hơn nữa, toàn cầu cùng phải quyết liệt hành động trên nền tảng liên kết, cạnh tranh và vận hành theo chuỗi.
Cũng từ Hội thảo quốc tế này, các nhà khoa học đã rút ra ba thông điệp quan trọng đối với hành trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Đó là, chuyển đổi xanh là xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việt Nam đã xác định chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính và con đường ngắn nhất để phát triển kinh tế bền vững. Điều này được khẳng định rõ nhất với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Hai là, chuyển đổi xanh là quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì, chủ động tích cực của toàn xã hội. Trong quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam đối diện nhiều thách thức, đặc biệt về vốn đầu tư, công cụ pháp lý và triển khai thực tế hiệu quả, hiệu suất. Nhưng trong dài hạn, những thành quả gặt hái được từ Chuyển đổi xanh sẽ đưa chúng ta lên một tầm cao mới của một xã hội văn minh về sản xuất, tiêu dùng hiệu quả và bền vững.
Cuối cùng, chuyển đổi xanh yêu cầu phải có tư duy đổi mới và sáng tạo trong cách làm, trong cách thức thực hiện, có thể chế đột phá, thí điểm, phải dựa vào ứng dụng công nghệ mới, phát triển các mô hình mới, sáng tạo trong huy động nguồn lực và phải gắn với liên kết và phối hợp, kể cả hợp tác quốc tế. Tất cả các tầng lớp xã hội cần phải vào cuộc ngay, phải chung tay, phối hợp để cùng đóng góp cho quá trình chuyển đổi xanh này nhanh và hiệu quả, giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam đã sớm định hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh qua những chủ trương, nhiệm vụ và mục tiêu, giải pháp của chuyển đổi xanh được ghi nhận lần đầu tiên trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012), cũng như được khởi động chính thức trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời, được cập nhật và bổ sung đậm nét hơn được trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030.
Bên cạnh đó là Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược.
Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướngchuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII vừa qua thống nhất khẳng định Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để vươn mình thành công, rất cần thống nhất nhận thức, niềm tin; sáng tỏ tầm nhìn, chiến lược và nỗ lực hành động của toàn Đảng, toàn dân.
Cách đây không lâu, Tổng Bí thư Tô Lâm lần đầu tiên nói đến “khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” trong cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV ngày 27/8/2024. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là lúc chúng ta hiện thực hóa các mục tiêu cao cả, hướng tới 2 sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045). Đây cũng là thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm trong một số bài viết, bài phát biểu quan trọng trong những sự kiện đặc biệt của đất nước thời gian qua. Thông điệp của người đứng đầu Đảng, Nhà nước như lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ nguyên thường được hiểu là một thời kỳ lịch sử trong tiến trình phát triển của quốc gia dân tộc mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được hoàn thành, được đánh dấu bằng những sự kiện tạo ra bước ngoặt vận động, mở ra trang sử mới. Mỗi kỷ nguyên, trước hết, do các yếu tố trong nước quyết định; đồng thời, chịu sự tác động của các chuyển động mang tính thời đại diễn ra trên thế giới.
Trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là một thành tố rất quan trọng để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, như trong Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”.
Xu hướng chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh hướng tới nền kinh tế số bền vững là một trong những điều kiện bắt buộc mà doanh nghiệp cần áp dụng. Đây cũng là một trong những định hướng mang tính chiến lược trong công tác xây dựng chính sách.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.LS Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền) cho biết: “Với sự phát triển không ngừng của xã hội, các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên như nấm. Sự phát triển đó kéo theo hệ lụy là sự hủy hoại môi trường tự nhiên, tình trạng ô nhiễm liên tục gia tăng vượt tầm kiểm soát. Sự ô nhiễm xuất hiện ở khắp nơi, khắp vùng miền khiến tôi luôn trăn trở và quyết tâm tìm tòi, học hỏi tìm ra bằng được giải pháp để phát triển một cách bền vững. Theo lộ trình đến năm 2030, chúng tôi sẽ số hoá dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi xanh, sử dụng công nghệ IoT (Internet of Thing – Internet vạn vật) hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính và quan trọng là đạt mục tiêu Netzero phát thải”, ông Điệp tâm sự.
Được biết, hiện nay tại KCN sinh thái Nam Cầu Kiền đang thực hiện một loạt các chuyển đổi để tiến tới Netzero. Khu công nghiệp cũng sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiện điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước. Giải pháp tài nguyên xanh bao gồm năng lượng xanh (thí điểm lắp đặt điện mặt trời áp mái tại tòa nhà văn phòng, điện năng lượng mặt trời chiếu sáng đường giao thông trong khu công nghiệp), sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học quy mô cộng đồng. Quy mô 80 ha diện tích trong KCN được phủ xanh bởi hệ thống cây xanh khả năng hấp thụ phát thải, bụi tốt. Không chỉ giảm thiểu ô nhiễm từ phát thải CO2, bù trừ phát thải, thiết kế còn tạo các điểm cảnh quan sinh thái trong KCN để tuyên truyền nhận thức về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Ngoài ra còn hàng loạt các giải pháp khác nhằm hướng tới chuyển đổi xanh đang được áp dụng tại KCN tiên phong này.
Tại Diễn đàn Vietnam - Asia DX Summit 2024, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã từng nói: “Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hoá với hai xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép cả về kinh tế số và kinh tế xanh, cần có nhiều doanh nghiệp Việt Nam "dấn thân" đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này”.
Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 khẳng đinh, trong thời gian gần đây, các thị trường đã áp dụng rất nhiều định chế, quy tắc đối với ngành may của Việt Nam nói chung cũng như tại Tổng công ty May 10 cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp phải chịu áp lực đánh giá của rất nhiều khách hàng. Từ quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 với trách nhiệm xã hội và thêm nữa là các hành động, chương trình cũng như kết quả của việc thực hiện đảm bảo về môi trường, đảm bảo xanh hóa trong sản xuất.
Nói thêm về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ông Mạnh cho biết: “Thực tế trong quá trình sản xuất và chuyển đổi xanh, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO năm 2001, thường xuyên kiểm toán năng lượng và tìm ra những các cơ sở, khía cạnh có thể cải tạo, nâng cấp tiết kiệm và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn. Song song với đó, cũng tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo, lắp những hệ thống điện năng lượng mặt trời và đã có được chứng chỉ chứng nhận. Việc này không chỉ mang những lợi ích về kinh tế, giảm chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh công ty với thị trường và các đối thủ.
Về vấn đề khí thải nhà kính, chúng tôi cũng đã triển khai kiểm kê khí nhà kính. Tổng công ty May 10 trước đây cũng sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch từ than. Bình quân hàng năm khoảng 1.500 tấn than cho việc đốt lò hơi để sử dụng hơi nóng cho dây chuyền sản xuất nhưng đến nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang việc sử dụng nhiên liệu Biomass (nhiên liệu tồn tại đa dạng từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp như trấu, bã mía, mùn cưa gỗ, dăm bào…). Với việc chuyển đổi này thì theo tính toán và kiểm kê chúng tôi đã giảm được khoảng được 3.500 - 3.600 tấn khí thải CO2/năm.”
Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, trong thực tiễn cũng không tránh khỏi một số bất cập. Về chính sách vĩ mô cũng như cơ sở của luật pháp thì cũng có đầy đủ, nhưng cụ thể trong quá trình thực tiễn triển khai cũng không tránh được một số bất cập, vì việc dẫn giải chưa rõ ràng, có những cách hiểu của địa phương, các cơ quan ban, ngành ở một số địa phương không giống nhau. Ví dụ như điện mặt trời mái nhà. Có những nơi cách hiểu và cách giải quyết quy định có phần “thông thoáng” hơn nên việc triển khai thác lắp đặt rất nhanh. Có những nơi thời gian chúng tôi xin các thủ tục gấp 3 lần thời gian tổ chức triển khai lắp đặt hệ thống đến lúc khai thác vận hành. Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là sự rõ ràng, hướng dẫn cụ thể. Trong các chính sách cần cụ thể hơn để cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan chủ quản có được tiếng nói hiểu nhau hơn, rút ngắn lại các quy trình, thủ tục trong việc giải quyết các điều kiện cho các doanh nghiệp được triển khai thực hiện các dự án mình mong muốn.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm và có các chính sách thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thêm quy định, tiêu chí xanh trong sản xuất để định hướng chuyển đổi xanh nhanh hơn; chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể đẩy mạnh phát triển sản xuất xanh. Chuyển đổi kép cần nguồn lực đầu tư, nhất là ở mảng sản xuất vốn cần chi phí lớn để trang bị hệ thống máy móc, dây chuyền thiết bị hiện đại. Thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời như chương trình tín dụng xanh chẳng hạn, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần phải hiểu sức mình để cân bằng hiệu suất đầu tư chuyển đổi dựa trên nỗ lực, nguồn lực và cả vào mục tiêu chuyển đổi xanh để lựa chọn phương án chuyển đổi số phù hợp. Như vậy, chuyển đổi đạt được hiệu quả tốt hơn là chuyển đổi theo trào lưu. Đặc biệt, ở mỗi giai đoạn của sự chuyển đổi, doanh nghiệp cần nhìn xa để lựa chọn kiến trúc chuyển đổi phù hợp.
Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn, tuy nhiên có thể thấy rằng, chính nhờ sự kết hợp mạnh mẽ giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ đem lại tiềm năng to lớn và những lợi ích vượt xa so với việc chỉ đáp ứng các yêu cầu về tính tuân thủ. Bằng cách áp dụng các sáng kiến bền vững và tận dụng công nghệ số một cách chiến lược, doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh, nâng cao danh tiếng và xây dựng một tương lai vững mạnh hơn. Qua đó, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hiện thực hóa khát vọng 2045, để đất nước ta vững vàng phát triển, hùng cường và thịnh vượng.
Bài 4: Việt Nam sẽ đi bằng con đường nào để đạt “mục tiêu kép”?
Nhóm PV thực hiện:Văn Chương,Thiệu Anh,
Phạm Giang,Duy Khánh,Mai Chi
Đồ họa: Hải An