Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hành trình Việt Nam hướng tới Netzero 2050
“Chuyển đổi kép” đang là con đường phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới, và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó.
Lời tòa soạn
Năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (Netzero) vào năm 2050. Điều này đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế.
Ngay sau COP26, Việt Nam đã triển khai hàng loạt công việc liên quan để thực hiện các cam kết nêu trên. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26, Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050…
Nhiều chuyên gia từng khẳng định, để thực hiện tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững, Việt Nam phải thực hiện đồng thời “chuyển đổi kép”. Cụ thể, đó là việc chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi xanh. Đến thời điểm này, “chuyển đổi kép” không còn là sự lựa chọn mà đó là con đường tất yếu.
Chính vì vậy, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài viết "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hành trình Việt Nam hướng tới Netzero 2050". Tuyến bài sẽ đưa ra bức tranh toàn cảnh về tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam trong thời gian qua. Bên đó cạnh đó, là sự quyết liệt của nước ta trong việc thực hiện “chuyển đổi kép” hướng đến Netzero vào năm 2050 như cam kết tại COP26. Một điều quan trọng, tuyến bài sẽ tham vấn ý kiến nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong nước và quốc tế, nhằm góp ý cho công cuộc “chuyển đổi kép” để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Chuyển đổi số để hỗ trợ chiến lược chuyển đổi xanh là khái niệm đã được Liên minh châu Âu (EU) đề cập và là một xu hướng “chuyển đổi kép” quan trọng cho tương lai. Tại Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, nêu rõ "tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh".
“Chuyển đổi xanh” (Green Transformation) tức chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Cái lõi của Chuyển đổi xanh là mục tiêu giảm phát thải carbon - nguyên nhân tạo ra phát thải carbon là sản xuất công nghiệp gây hại không khí, là nạn phá rừng, sự đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí tự nhiên); còn có nguyên nhân tự nhiên như sự phân hủy, sự tuần hoàn khí CO2 của đại dương… Chuyển đổi xanh còn giúp giảm tác động của hiệu ứng nhà kính thông qua cải tiến môi trường sinh thái. Theo đó, các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Tại Việt Nam, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã nêu rõ các mục tiêu cơ bản về chuyển đổi xanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kết hợp hài hòa đạt được mục tiêu lợi ích quốc tế.
Cuối năm 2023, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Hiện nay, chuyển đổi xanh là yêu cầu cấp bách của sự phát triển và là “con đường tất yếu”, sự lựa chọn phù hợp của tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) với chủ đề: “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.
Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%, và cùng năm này, kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023, kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm.
Ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ mới đây tại tọa đàm "Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”, cho rằng: "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Do đó, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải hết sức chủ động thích ứng, bắt nhịp để phát huy hiệu quả tính đột phá của cuộc cách mạng này, nhằm giải quyết các bài toán quốc gia về tăng trưởng và phát triển bền vững".
Đối với các doanh nghiệp, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).... Đây là sức ép và cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để được thị trường chấp nhận.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, “chuyển đổi kép” đang là con đường phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số vào quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.
Về phía doanh nghiệp, buộc phải có sự thay đổi và thích ứng với chuyển đổi số “xanh”. Trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu với thế giới như hiện nay thì buộc phải tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Phải vượt qua được những thách thức lớn này thì các doanh nghiệp Việt Nam mới được thị trường quốc tế chấp nhận.
Nói về lợi ích của chuyển đổi kép, ông Nguyễn Tiến Huy, chuyên gia của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc này sẽ mang lại các giá trị cụ thể cho doanh nghiệp, đặc biệt là về mặt kinh tế. Đơn cử như việc in hóa đơn tại doanh nghiệp, nếu chuyển sang hóa đơn điện tử sẽ giúp giảm một khoản chi phí đang kể cho giấy in. Đồng thời, việc này cũng gián tiếp giảm tiêu thụ gỗ do ½ sản lượng khai thác gỗ được sử dụng trong công nghiệp giấy và giảm phát thải C02, chi phí vận tải, sử dụng nhiên liệu.
“Bên cạnh bài toán kinh tế và tác động môi trường, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải tập trung vào các chỉ số môi trường và xã hội trong từng sản phẩm. Đồng thời đáp ứng sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng khi ngày càng ưa chuộng sử dụng sản phẩm hàng hóa xanh hơn. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải hoạch định chính sách “chuyển đổi kép” để phát triển kinh doanh bền vững và mang lại giá trị cho doanh nghiệp”- ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.
Bằng cách sử dụng các công nghệ số, nhà sản xuất có thể tối ưu hóa quy trình, theo dõi và quản lý hoạt động của mình một cách chính xác và hiệu quả hơn, từ đó giảm thiểu lượng chất thải, hàng tồn kho, thất thoát trong vận chuyển, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; phát hiện sớm và ngăn chặn các nguy cơ môi trường, giảm thiểu sự cố…
Trong thương mại điện tử, chuyển đổi số mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng thông qua việc tạo ra các trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn nhờ các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và chatbot để tương tác khách hàng nhanh chóng và dễ dàng, quản lý dữ liệu khách hàng và đơn hàng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đẩy nhanh thời gian thực hiện, qua đó giảm chi phí và tăng hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động tiếp thị, thanh toán trực tuyến…
Trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển đổi số giúp các nhà băng trở nên “xanh” hơn, nhanh hơn và thông minh hơn qua việc giảm thiểu sự lãng phí và tiết kiệm tài nguyên, tăng độ chính xác và hiệu quả, rút ngắn thời gian chờ đợi và đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhờ các công nghệ kỹ thuật số, giảm thiểu tiêu hao năng lượng và tác động đến môi trường…
Còn theo Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, ông Denis Brunetti thì 5G sẽ là chìa khóa cho chuyển đổi số “xanh” của Việt Nam. Việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại lợi ích gấp ba lần cho Việt Nam cả về xã hội, kinh tế cũng như cải thiện môi trường. Cần lưu ý, chỉ riêng việc tiêu thụ ít năng lượng hơn so với 4G, công nghệ 5G sẽ cho phép các ngành công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và giảm yêu cầu năng lượng cũng như lượng carbon thải ra.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích quan trọng.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4, ông Thuriot Denis, Thị trưởng thành phố Nevers (Pháp) cho rằng, “Xanh bao hàm cả sự gần gũi, thân thiện. Màu xanh là màu của tương lai”. Theo ông Denis, công cuộc chuyển đổi số và chuyển đổi sinh thái phải đi cùng nhau, điều đó giúp đạt được tăng trưởng hiệu quả bền vững.
Ông Denis cũng chia sẻ, thành phố nơi ông là thị trưởng là một thành phố có quy mô trung bình để có thể có nhiều thử nghiệm khác nhau về một thành phố xanh. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Pháp nhận được chứng nhận “Số hoá trách nhiệm” chứng minh cho sự kết hợp có hiệu quả giữa công nghệ và sinh thái, giảm thiểu carbon.
Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số, như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Trong số 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đã có những ngành như sản xuất, tài chính - ngân hàng, logistics tiên phong và đạt thành công đáng kể trong các mục tiêu tăng trưởng xanh. Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cũng được nâng cao rõ rệt, từ đó cải thiện mức độ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Như vậy, có thể khẳng định kinh tế số và kinh tế xanh là những phương thức phát triển phù hợp và chủ đạo nhất trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Có nhiều giải pháp được đề xuất nhằm thực hiện sự song hành của kinh tế số và kinh tế xanh. Trước hết, cần có một chương trình khuyến khích ứng dụng công nghệ - thông tin với mục đích tiết kiệm năng lượng trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp có liên quan (tiêu chuẩn hóa, giám sát và tăng cường trách nhiệm giải trình về tiêu thụ năng lượng), đồng thời khuyến khích công nghệ số và chuyển đổi số được sử dụng trong các mô hình hành vi bền vững hơn của người dân (thay đổi cách sống, vui chơi, học tập và làm việc dựa trên dữ liệu), và doanh nghiệp (chuyển đổi các chuỗi giá trị hiện có và tích hợp các quy trình và hệ thống chuyển đổi số) trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.
Tiếp đến, cần có một hệ thống đánh giá chặt chẽ tác động trực tiếp, gián tiếp của các lĩnh vực tăng trưởng số trong việc hiện thực hóa phương thức tăng trưởng xanh và nỗ lực chuyển sang sang nền kinh tế carbon thấp. Hiệu quả của sự song hành được đánh giá thông qua thực tiễn là các hoạt động kinh tế số vừa có khả năng sinh lời, vừa có vai trò quan trọng để cùng với các lĩnh vực khác sử dụng các giải pháp cần thiết để tạo ra một nền kinh tế và xã hội xanh.
Để Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh, đòi hỏi không chỉ có định hướng, chiến lược lâu dài, mà cần phải nỗ lực biến mục tiêu thành hành động, trở thành chương trình “nghị sự” hàng ngày của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân. Chúng ta chỉ mới ở xuất phát điểm trong xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh. Tuy nhiên, với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể “chuyển đổi kép” toàn diện, hướng tới phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Cách đây không lâu, tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định: Trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam đã có những văn bản ở cấp rất cao, như Nghị quyết 24, các chiến lược về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; các luật cũng được ban hành để bước đầu thể chế hóa, như Luật Bảo vệ môi trường 2020… Phát triển bền vững là chặng đường còn khá xa, nhưng kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp sẽ là những chặng đầu mà chúng ta bắt buộc phải đi qua.
Bài 2: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh- Động lực chính của tăng trưởng kinh tế
Nhóm PV thực hiện:Văn Chương,Thiệu Anh,Phạm Giang,Duy Khánh,Mai Chi
Đồ họa: Hải An