Chuyển đổi 100% hóa đơn điện tử thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Hoá đơn điện tử không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia.
Góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia
TP.HCM là 1 trong 6 tỉnh, thành phố thí điểm chuyển đổi sử dụng hoá đơn điện tử đầu tiên của cả nước. Đến nay, hơn 95% doanh nghiệp và 99,8% hộ kinh doanh đã sử dụng hoá đơn điện tử.
Ngành thuế thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp để trong thời gian tới, 100% doanh nghiệp đều sử dụng hoá đơn điện tử. Bởi hoá đơn điện tử không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia.
Để tiếp tục đẩy nhanh số lượng doanh nghiệp còn lại chuyển đổi thì hiện Cục Thuế TP.HCM đang phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, chuẩn bị giải pháp, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng quy định để hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế.
Tổng cục Thuế cũng đã làm việc với Bộ Công an, thống nhất trong thời gian tới có sự liên thông dữ liệu hóa đơn điện tử giữa 2 đơn vị, để cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký trước bạ ô tô, xe máy.
Giải pháp ngăn chặn hành vi gian lận và trốn thuế
Hóa đơn điện tử ở giai đoạn 2 sẽ được triển khai tại 57 địa phương. Tại sự kiện kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cái gì mới cũng khó cả. Cái mới cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Cái gì mới cũng không phải đã tạo được đồng thuận ngay nhưng phải có giải pháp để tạo được đồng thuận.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, ngành Thuế với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực công nghệ thông tin để triển khai với số lượng doanh nghiệp lớn, trải rộng trên cả nước.
Được biết, Thái Nguyên là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, người nộp thuế chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khắc phục các điều kiện không thuận lợi này, từ cuối năm trước, Cục Thuế tỉnh đã chủ động thực hiện theo Thông tư 32 để cán bộ thuế và người nộp thuế làm quen dần với hóa đơn điện tử.
Ngoài tập huấn trang bị kiến thức cho cán bộ thuế, từng Cục Thuế còn chủ động phối hợp với các Tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử để chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng quy định về cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng.
Thời gian tới, dịch vụ hóa đơn điện tử của ngành thuế sẽ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình kết nối điện tử giữa ngành thuế với các bộ ngành khác để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận và thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: "Đây là nền tảng đầu tiên hóa đơn điện tử đem lại dữ liệu về thuế. Dữ liệu này sẽ kết nối với các bộ ngành khác như dữ liệu về đất đai, đăng ký kinh doanh, dân cư. Khi có dữ liệu lớn sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo vào để phân tích dữ liệu, quản lý thuế chặt chẽ hơn chống được trốn thuế, trục lợi thuế".
Hóa đơn điện tử là giải pháp để khống chế tình trạng hóa đơn giả, trốn thuế, gian lận hoàn thuế từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh việc chủ động triển khai quyết liệt, nhanh chóng tới từng địa phương sẽ cần thêm giải pháp gì để người dân và doanh nghiệp thực sự tiếp cận hóa đơn điện tử trong thời gian ngắn?
Tại sự kiện kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc, Thủ tướng nhấn mạnh đến 5 nền tảng cơ bản của ngành thuế, trong đó nhấn mạnh đến tính an ninh, an toàn thông tin ở mức cao nhất. Vậy việc này sẽ được ngành thuế tăng cường như thế nào trong thời gian tới?
Bùi Hằng