Thứ sáu, 03/05/2024 20:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/12/2021 08:09 (GMT+7)

'Chú voi con ở Bản Đôn' được bảo vệ tốt hơn nhờ Nghị quyết mới

Theo dõi KTMT trên

Nghị quyết đã sửa đổi của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người tại Đắk Lắk, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi.

Ban hành Nghị quyết mới để bảo vệ loài voi

Kỳ họp thứ ba, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong 3 ngày 8-10/12 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi.

Nghị quyết đã sửa đổi chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản và hạn chế xung đột voi với người tại Đắk Lắk, bổ sung chính sách phúc lợi cho voi. Cụ thể, Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản (hỗ trợ chủ voi trong quá trình sinh sản của voi); hỗ trợ cho nài voi (người chăm, điều khiển voi) trong quá trình sinh sản của voi, thời gian hỗ trợ 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực.

Nhằm hạn chế xung đột giữa voi với người tại Đắk Lắk, những địa phương thường có voi hoang dã xuất hiện được thành lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ không quá 10 thành viên để theo dõi, giám sát di chuyển của voi, tổ chức xua đuổi voi phá hoại. Mỗi tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng và mỗi thành viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm.

'Chú voi con ở Bản Đôn' được bảo vệ tốt hơn nhờ Nghị quyết mới - Ảnh 1
Loài voi cần được bảo vệ nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, sản xuất hợp pháp trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển, khi bị voi tấn công được hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại và 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị vết thương do voi gây ra, được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với tỷ lệ sức khỏe bị tổn thương.

Trường hợp thiệt hại về tính mạng, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất như đối với người lao động trong các cơ quan nhà nước bị tai nạn lao động tử vong… Ngân sách tỉnh hàng năm bố trí kinh phí để hỗ trợ cho chủ voi là tổ chức, hộ gia đình không còn khả năng chăm sóc tự nguyện giao lại cho Trung tâm bảo tồn voi.

Ngoài ra, Đắk Lắk dùng ngân sách tỉnh cùng với các nguồn tài trợ khác hỗ trợ chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch từ cưỡi voi sang hình thức khai thác du lịch thân thiện với voi.

Theo thống kê, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk hiện nay còn 44 cá thể, gồm 19 voi đực và 25 voi cái, đều đã được gắn chíp điện tử từ năm 2017. Về voi hoang dã, số lượng cá thể ổn định khoảng 5 đàn, gồm 80-100 cá thể.

'Chú voi con ở Bản Đôn' được bảo vệ tốt hơn nhờ Nghị quyết mới - Ảnh 2
Voi là biểu tượng vùng Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)

Sau khi Nghị quyết 78 ngày 21/12/2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh được ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ từ công tác tuyên truyền phổ biến đến việc thể chế hóa để thực hiện Nghị quyết. Các chính sách trong Nghị quyết đã được các cấp, ngành và cán bộ, nhân dân ủng hộ, triển khai hiệu quả. Công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk đã đạt được những kết quả rõ nét. Đàn voi nhà đã được chăm sóc thú y tốt hơn, đang nghiên cứu sinh sản theo con đường tự nhiên. Voi hoang dã có cơ cấu bầy đàn đầy đủ, khả năng phát triển quần thể tốt.

Theo đại biểu Y Si Thắt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh đã thành lập Trung tâm bảo tồn voi từ năm 2011 nhằm bảo tồn, phát triển đàn voi như một số nước Đông Nam Á đang thực hiện.

Hiện nay, do thu hẹp môi trường sống và các vấn đề khác, số lượng voi nhà, voi hoang dã bị sụt giảm, có nguy cơ biến mất trong 2-3 thập kỷ tới. Do đó, việc ban hành, bổ sung một số chính sách bảo tồn voi thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm bảo tồn số lượng voi hiện có, phát triển đàn voi thông qua hình thức sinh sản trong môi trường tự nhiên và khu chăn nuôi.

Để chính sách đi vào cuộc sống, thực sự hiệu quả cần đánh giá hiệu quả của Trung tâm bảo tồn voi và đề ra giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn nhằm bảo tồn, phát triển số lượng voi theo yêu cầu, mục đích đề ra.

Chuyển đổi mô hình du lịch mới thân thiện với voi ở Đắk Lắk

Chính quyền Đắk Lắk cam kết sẽ bỏ hẳn du lịch cưỡi voi trên phạm vi toàn tỉnh. Thay vào đó, loại hình dịch vụ du lịch thân thiện với voi sẽ được các khu du lịch tập trung nghiên cứu, khai thác để đem lại cảm giác trải nghiệm mới lạ cho du khách. 

Dù đã muộn màng nhưng rồi động thái trên cho thấy chính quyền địa phương đang áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo tồn bầy voi nhà và vực lại một ngành du lịch chịu quá nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

'Chú voi con ở Bản Đôn' được bảo vệ tốt hơn nhờ Nghị quyết mới - Ảnh 3
Chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi tại Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)

Mới đây, tại chương trình tọa đàm ''Kết nối giao thương giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai địa phương'' tổ chức tại Đắk Lắk, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh tuyên bố với các đại biểu tham dự rằng, sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi. Thay vào đó, các điểm du lịch sẽ tiến hành nghiên cứu, khai thác các loại hình dịch vụ du lịch thân thiện với voi để đem lại cảm giác trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến tỉnh nhà.

Một doanh nghiệp lữ hành lớn ở khu vực phía bắc cho hay, khi đưa khách về Buôn Đôn, ngoài việc cưỡi voi, tham quan một số thắng cảnh trong chốc lát ra thì rất khó giữ chân họ ở lại đây lâu. Không ít người cảm thấy hụt hẫng vì chất lượng không được như trong quảng bá. Một khi du khách đã không còn quá háo hức với việc được cưỡi voi thì địa phương cần phải tìm những cách làm, hướng khai thác du lịch mới mẻ hơn để tạo điểm nhấn, ấn tượng với khách.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Chú voi con ở Bản Đôn' được bảo vệ tốt hơn nhờ Nghị quyết mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon
Ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Tin mới