Thứ ba, 07/05/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ tư, 27/09/2023 07:00 (GMT+7)

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Mô hình du lịch canh nông sẽ là động lực tăng trưởng của địa phương

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, nền nông nghiệp tại địa phương đang phát triển và nông nghiệp vẫn đang là ngành chủ lực. Thời gian tới, địa phương sẽ chuyển đổi nông nghiệp sang du lịch canh nông.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Mô hình du lịch canh nông sẽ là động lực tăng trưởng của địa phương - Ảnh 1

Như chúng ta đã biết, Lạc Dương là huyện phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, phụ cận TP. Đà Lạt và Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có chủ trương, lộ trình sáp nhập vào TP. Đà Lạt; có tổng diện tích tự nhiên là 131.393 ha. Trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 85%; có địa hình, độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng TP. Đà Lạt, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, là vùng lõi và chiếm phần lớn diện tích Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang đã được UNESCO công nhận ngày 09/6/2015. Huyện có 3 xã nằm trên tuyến quốc lộ 27C nối liền hai thành phố du lịch nổi tiếng của cả nước là Đà Lạt và Nha Trang, được ví là cung đường “Hoa và Biển”. Cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống trong huyện có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, đặc biệt văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Cơ ho (hiện có số dân chiếm 66,7% tổng dân số  toàn huyện) thuộc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 15/11/2005. Có thể khẳng định, tài nguyên du lịch của huyện Lạc Dương phong phú bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Mô hình du lịch canh nông sẽ là động lực tăng trưởng của địa phương - Ảnh 2

Sớm nhận thức được tiềm năng và lợi thế đó, trong những năm qua cấp ủy và chính quyền địa phương đã kịp thời định hướng, có chủ trương đúng đắn để ưu tiên phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường, đồng thời có những chính sách thu hút đầu tư trong đó chú trọng du lịch xanh. Huyện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, hình thành nhiều khu, điểm, loại hình du lịch với quy mô và chất lượng ngày càng phong phú, mạng lưới các cơ sở du lịch được mở rộng; cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, sản phẩm du lịch ngày một đa dạng, chất lượng phục vụ ngày càng cao.

Toàn huyện hiện có 18 khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch hoạt động, cùng 11 điểm giao lưu văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách; thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp lữ hành quan tâm xây dựng tour, tuyến đến địa phương, khách đến tham quan trên địa bàn hàng năm đều tăng; trong 06 tháng đầu năm 2023, huyện Lạc Dương đã thu hút gần 1,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu trên 155 tỷ đồng. Ngành du lịch phát triển, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn trong nhiều năm qua.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Mô hình du lịch canh nông sẽ là động lực tăng trưởng của địa phương - Ảnh 3

UBND huyện cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành tổ chức hiệu quả các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa nhằm thu hút khách du lịch qua các năm như: Mùa hội cỏ hồng Lang Biang, cuộc thi ảnh, cuộc thi sáng tác ca khúc về huyện Lạc Dương, Lễ hội đua ngựa không yên huyện Lạc Dương, Liên hoan văn hóa cồng chiêng “Tiếng gọi đại ngàn”, hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt và hưởng ứng Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng... qua đó thu hút lượng lớn du khách đến với địa phương để tìm hiểu về phong cảnh, văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số bản địa.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có mô hình phát triển du lịch nông nghiệp nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của huyện gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề… trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nổi bật như mô hình du lịch canh nông của công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc, tại xã Lát; mô hình du lịch canh nông của công ty TNHH Nông Trại du lịch Canh nông Kiến Huy, tại xã Đạ Sar; mô hình du lịch canh nông của công ty TNHH LangBian VF Dâu Rừng, tại thị trấn Lạc Dương…

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Mô hình du lịch canh nông sẽ là động lực tăng trưởng của địa phương - Ảnh 4

Hiện nay, nền nông nghiệp tại địa phương đang phát triển và ngành nông nghiệp vẫn đang là ngành chủ lực. Định hướng trong thời gian tới sẽ chuyển đổi nông nghiệp sang du lịch canh nông. Có thể nói du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, một cơ hội cho ngành du lịch cũng như ngành nông nghiệp của cả nước nói chung và tại địa phương nói riêng bởi tại đây được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu mát mẻ quanh năm, có nhiều danh lam thắng cảnh, lợi thế để phát triển du lịch, đồng thời người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Phát triển du lịch canh nông sẽ giúp ngành nông nghiệp, người sản xuất tiếp cận trực tiếp với khách hàng; quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp được rộng rãi và trực tiếp tới người tiêu dùng, từ đó để mở rộng thị trường, tạo ra cơ hội phát triển.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Mô hình du lịch canh nông sẽ là động lực tăng trưởng của địa phương - Ảnh 5

Ngày 25/3/2022, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 31/5/2021 của Huyện ủy về phát triển du lịch huyện Lạc Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đề ra một số nhiệm vụ phát triển du lịch kết hợp xây dựng nông nghiệp của huyện trong thời gian tới với một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Một là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch trong đó có du lịch xanh du lịch nông nghiệp, du lịch canh nông.

Hai là: Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu du khách và gia tăng giá trị ngành du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực khác trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống để khai thác du lịch; tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật với quy mô lớn để thu hút, phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng đối với hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông, du lịch điểm đến đang triển khai; phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…

Phát triển ngành, lĩnh vực gắn với du lịch; trong đó, định hướng phát triển đô thị xanh, không gian xanh trong các quy hoạch; phát triển các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, hàng lưu niệm gắn với xây dựng làng nghề truyền thống; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn Organic và mục tiêu OCOP; tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao theo hướng mở rộng về quy mô, lấy không gian văn hóa cồng chiêng làm chủ đạo,...

Ba là: Quy hoạch, thu hút đầu tư triển khai các dự án du lịch trọng điểm: Giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung hỗ trợ, phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh và nhà đầu tư hoàn thành việc thu hút đầu tư và đưa vào khai thác Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng giai đoạn 1; Khu đô thị và du lịch Hồ số 7; Khu bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Cơ ho gắn với mô hình Du lịch cộng đồng tại thôn Đưng K’si xã Đạ Chais; thu hút đầu tư xây dựng mới các khu, điểm du lịch canh nông dọc tuyến quốc lộ 27C (phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng khu du lịchkết hợp hệ thống các điểm dân cư nông thôn dọc tuyến quốc lộ 27C). Đồng thời khuyến khích đầu tư nâng cấp, mở rộng công năng các khu, điểm du lịch hiện có trên địa bàn.

Giai đoạn 2025 - 2030: Hoàn thành xây dựng để khai thác giá trị Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng; khai thác hiệu quả giá trị các khu du lịch hiện có và kêu gọi đầu tư xây dựng, mở rộng các điểm du lịch văn hóa, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, dược liệu, thể thao mạo hiểm, khu vui chơi giải trí tổng hợp, giải trí về đêm ở trung tâm của huyện,...

Với những định hướng, giải pháp trọng tâm trên, ngành du lịch xanh, du lịch kết hợp nông nghiệp trên huyện Lạc Dương hứa hẹn sẽ có sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới, nhất là có sự nâng cao mạnh mẽ về doanh thu và chất lượng dịch vụ.

Ông  Bùi Thế - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Mô hình du lịch canh nông sẽ là động lực tăng trưởng của địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới