Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ
Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là ứng dụng KH&CN cao trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp.
Chiều ngày 25/8, ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ Trưởng Bộ KH&CN làm Trưởng Đoàn.
Cùng tiếp và làm việc với Đoàn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu chào mừng Đoàn công tác của Bộ KH&CN, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là ứng dụng KH&CN cao trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Bởi vậy, buổi làm việc lần này giữa địa phương và Bộ KH&CN có ý nghĩa lớn.
Tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ KH&CN quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí để tỉnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực KH&CN nói riêng, nhất là việc phát triển và ứng dụng các thành tựu KH&CN trong ngành công nghiệp, nông nghiệp để ngày càng đáp ứng tốt hơn, phù hợp với xu thế phát triển; đồng thời, đề nghị Bộ quan tâm, giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên, phát triển và ứng dụng khoa học, kỹ thuật cao vào các vùng sản xuất tập trung, các khu công, nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch để phát triển; thúc đẩy Thái Nguyên làm chủ và phát triển thành công công nghệ nước ngoài vào địa bàn.
Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 7 năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có 84 nhiệm vụ KH&CN. Công tác quản lý công nghệ, thị trường và doanh nghiệp KH&CN, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, ứng dụng và đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân đều được quan tâm, đẩy mạnh.
Mặc dù trong 3 năm qua, điều kiện sản xuất khó khăn, tốc độ tăng GRDP của tỉnh không đạt như kỳ vọng, tuy nhiên đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), trong đó có nhân tố đổi mới công nghệ vẫn đạt giá trị dương và đóng góp khoảng 43% vào tăng GRDP của tỉnh.
Đối với việc chuyển giao công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh, cơ bản việc ứng dụng công nghệ từ nước ngoài thời gian qua được thực hiện theo các dự án FDI đầu tư vào địa bàn, với hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao. Ngoài ra còn có một số dự án trong nước đã đầu tư và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.
Qua quá trình khảo sát, hiện nay các doanh nghiệp của tỉnh có nhu cầu về đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: Cơ khí, chế tạo; công nghệ đúc, luyện kim, cán, kéo thép; chế biến nông, lâm, thủy sản…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh tính đặc thù của Thái Nguyên trong việc thu hút, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài thông qua các dự án FDI và lợi thế về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè; đồng thời khẳng định sẽ đồng hành cùng địa phương để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả.
Nhân dịp này Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng định hướng một số nội dung để gắn hoạt động của Đề án 1851 của Chính phủ về “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phù hợp triển khai tại tỉnh Thái Nguyên.
Mạnh Tuấn